Lọt hàng hoá có "đường lưỡi bò": Xử lý doanh nghiệp thế nào?
Sự việc xe Volkswagen Touareg có bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được trưng bày tại Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 ngày 27/10 vừa qua tại TP.HCM khiến dư luận chưa hết bức xúc thì hôm qua (6/11) chi cục Hải Quan tại Cảng Đình Vũ Hải Phòng lại phát hiện ra 7 chiếc xe thương hiệu Trung Quốc có bản đồ đường lưỡi bò. Cả 7 chiếc ôtô loại 5 chỗ, hiệu Hanteng có xuất xứ Trung Quốc, mới 100%.
Câu chuyện bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được Trung Quốc lồng ghép vào nhiều sản phẩm từ văn hoá như phim ảnh, sách báo cho đến bản đồ định vị trên ô tô phần nào cho thấy những diễn biến phức tạp của vấn đề liên quan tới Biển Đông. Trước diễn biến này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải ứng xử thế nào?
Xung quanh câu chuyện bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được cài cắm trong các sản phẩm hàng hoá, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – Học việc Tài chính, về vấn đề này.
Thưa ông, bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được cài cắm trong nhiều sản phẩm hàng hoá của Trung Quốc đang là vấn đề nóng, khiến dư luận rất bức xúc. Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này?
Đối với câu chuyện bản đồ "đường lưỡi bò", tôi cho rằng đó là vấn đề cực kỳ nhạy cảm vì liên quan đến chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia. Chúng ta đã ít nhiều đề cập ở vấn đề này nhưng rõ ràng ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm và ý thức đối với chủ quyền an ninh quốc gia của người dân, cơ quan chức năng và doanh nghiệp chưa đặt đúng vị trí cần thiết.
Một sản phẩm hàng hoá được cài cắm bởi hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp liên quan đến chính trị, chủ quyền biển đảo là không thể chấp nhận được. Vì vậy, những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá có hình ảnh đường lưỡi bò cần phải xử phạt thật nặng mới đủ tính răn đe, buộc các cá nhân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm khi nhập khẩu hàng hóa hay các văn hóa phẩm phải có kiểm tra giám sát chặt chẽ. Từ đây, những sản phẩm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của chúng ta cần phải được quan tâm một cách thỏa đáng.
Như ông đề cập, những sự việc này đã được nhắc đến nhiều lần, vậy tại sao chúng ta vẫn không có biện pháp ngăn chặn, để lọt nhiều hình ảnh phi pháp như thời gian gần đây?
Đúng là như vậy, những vấn đề này trong quá khứ đã từng tồn tại nhưng chúng ta chưa phát hiện ra hoặc có phát hiện ra nhưng chưa xử lý tới nơi tới chốn.
Đơn cử như câu chuyện về "đường lưỡi bò", nhiều năm về trước, các đoàn du lịch đưa người Trung Quốc sang Viêt Nam có mặc áo có "đường lưỡi bò" phi pháp, chúng ta đã tịch thu và tiêu hủy. Những căn cước, chứng minh thư có đường lưỡi bò là chúng ta đã không cho nhập cảnh.
Tuy nhiên, đến nay các hình thức đưa hình ảnh "đường lưỡi bò" vào Việt Nam được thể hiện tinh vi hơn và khó phát hiện hơn. Bắt đầu từ việc phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp bị cơ quan duyệt phim bỏ sót và được chiếu tại các rạp phim trên cả nước ngày 14/10 vừa qua. Rồi đến việc bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong tài liệu giới thiệu của hãng lữ hành Saigontourist ngày 18/10. Mới đây nhất là hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp trong bộ "Developing Chinese" của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thu hồi vì có in bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp. Rồi đến những sự việc liên quan đến những chiếc xe nhập khẩu mới đây nhất... Có thể còn nhiều trường hợp khác mà chúng ta chưa "phanh phui" ra được.
Những vụ việc liên quan đến "đường lưỡi bò" phi pháp hay giả mạo xuất xứ đều cho thấy một điểm chung đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp, cá nhân vì lợi ích của riêng mình mà quên đi lợi ích dân tộc. Và đặc biệt, nó nguy hiểm ở chỗ vì lợi ích của cá nhân mà bất chấp lợi ích của quốc gia dân tộc. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ của họ phải đảm bảo lợi ích doanh nghiệp gắn liền với lợi ích quốc gia, dân tộc. Các luật pháp của Việt Nam cũng ghi rõ như vậy. Nhưng tại sao thời gian qua nhiều sản phẩm hàng hoá có hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam như vậy? Đây rõ ràng là vấn đề nhận thức của doanh nghiệp hay đạo đức kinh doanh, văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần đặt ra nghi vấn: Có phải doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc?
Trong bối cảnh doanh nghiệp còn chưa nhận thức được vấn đề chủ quyền dân tộc trong mỗi sản phẩm hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc thì vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây là gì?
Câu chuyện quản lý, giám sát của cơ quan chức năng cũng là vấn đề cần bàn. Thời gian qua, việc những sản phẩm hàng hoá có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp lọt vào lãnh thổ Việt Nam cho thấy cơ quan quản lý của chúng ta còn yếu kém và dường như đang có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Điều đáng nói, những ấn phẩm, sản phẩm này đều đã vào Việt Nam theo con đường "chính thống". Bởi vậy, trong mỗi sai phạm này, đều có trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm duyệt.
Vậy theo ông, thời điểm này chúng ta phải hành xử như thế nào?
Chúng ta phải làm ngay, luôn và thật nghiêm khắc đối với những sự việc này và những sự việc phát sinh (nếu có). Trước hết là để tạo tiếng đồn về mặt tâm lý và thứ hai đó là đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp cá nhân vì lợi ích của mình mà đánh đổi lợi ích quốc gia. Tôi xin nhấn mạnh lại, không bao giờ được đánh đổi lợi ích quốc gia lấy lợi ích cho doanh nghiệp.
Chúng ta phải xử lý nghiêm khắc để không còn tái diễn những trường hợp tương tự. Xử lý hành chính không được phải xem xét xử lý hình sự.
Với cơ quan quản lý, cần siết chặt kỷ luật và phải làm hết chức năng của mình mới mang lại hiệu quả tốt được.
Xin cảm ơn ông!