Lý giải hiện tượng giá ô tô tăng vùn vụt ở Mỹ
Các nhà phân tích dự báo đà tăng giá ô tô ở Mỹ chưa thể dừng lại.
Một khảo sát của JD Power cho thấy giá xe mới bình quân tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên mức kỷ lục 38.255 USD. Khoảng 2/3 số người mua xe đã phải trả giá trên giá niêm yết trong khoảng 5%. Một số người thậm chí phải chịu mức chênh lệch lớn hơn.
Một dữ liệu khác từ JD Power cho thấy giá bán buôn ô tô đã qua sử dụng tại các phiên đấu giá đã tăng vọt 39% kể từ đầu năm, trong khi giá bán lẻ xe đã qua sử dụng tăng 20% trong cùng kỳ. Đó là một bước nhảy vọt đáng kể, phần nào phản ánh đà lạm phát của nền kinh tế.
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ đã đẩy giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm. Chỉ riêng giá ô tô đã qua sử dụng ở Mỹ là nguyên nhân chiếm đến 1/3 trong tổng mức tăng giá tiêu dùng 5% của tháng 5.
Doanh số bán xe hiện đang bùng nổ với tỷ lệ bán xe mới trong tháng 5 tăng vọt 34% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,6% so với tháng 5/2019, thời điểm đại dịch chưa bùng phát ở Mỹ.
Đây là xu hướng đảo ngược hoàn toàn so với một năm về trước, khi doanh số bán xe trì trệ, nhiều đại lý xe hơi phải đóng cửa vì đại dịch, lao động trong ngành buôn bán xe mất việc hàng loạt. Dự kiến, doanh số bán xe của nước Mỹ đã giảm tới 30% trong quý II/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát ở Mỹ. Đây là mức giảm quý tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.
Sản lượng giảm gây sức ép lên chuỗi cung ứng
Nhu cầu xe tăng trở lại vào thời điểm nhiều nhà máy ô tô trên toàn cầu phải tạm đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất vì cuộc khủng hoảng thiếu chip. Theo Cox Automotive, sản lượng ô tô mới ở Bắc Mỹ đã giảm khoảng 3,4 triệu xe trong quý I/2021 do thiếu chip. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô dự báo sản lượng quý II còn giảm mạnh hơn quý I.
Thị trường ô tô đã qua sử dụng cũng ghi nhận nguồn cung giảm mạnh và mức độ khan hiếm kỷ lục.
Hai yếu tố: nhu cầu lớn và nguồn cung suy yếu đang thúc đẩy sự leo thang của giá ô tô.
Charlie Chesbrough, nhà kinh tế cấp cao của Cox Automotive cho biết: “Đó là một cơn bão giá. Nếu bạn không sẵn sàng trả giá trên giá niêm yết, những người xếp hàng sau bạn sẽ trả. Vấn đề này có thể kéo dài trong ít nhất là phần còn lại của năm”.
Những nguyên nhân chính khiến giá ô tô tăng vọt
Thiếu nguyên vật liệu sản xuất
Nguyên nhân đáng chú ý nhất là cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu hiện tại. Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm lượng đơn đặt hàng chip máy tính vào đầu năm ngoái khi đại dịch buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và doanh số bán xe sụt giảm mạnh. Các nhà sản xuất điện tử, vốn có doanh số cao trong thời kỳ đại dịch, đã vui vẻ chớp lấy nguồn cung dư thừa. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, ngành sản xuất ô tô đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.
Chip bán dẫn là thành phần cực kỳ quan trọng trong xe ô tô, từ trợ lực và phanh cho đến màn hình điều khiển…. Tùy từng loại xe và thiết kế, mỗi chiếc xe có thể sử dụng tới hàng trăm chip bán dẫn hoặc nhiều hơn. Số chip cần dùng sẽ tăng lên khi ngành công nghiệp ô tô hướng tới phát triển các dòng xe điện, xe chạy bằng năng lượng sạch, thậm chí xa hơn là xe tự lái. Do đó, cuộc khủng hoảng chip thực sự đang tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô.
Cuộc khủng hoảng chip chỉ là một yếu tố làm giảm mạnh sản lượng sản xuất xe. Các chuyên gia trong ngành cho hay hàng loạt phụ tùng ô tô khác bao gồm lốp xe và các tấm nhựa cũng đang bắt đầu thiếu hụt.
Nền kinh tế mở cửa trở lại
Khi người lao động đi làm trở lại, nhu cầu ô tô như phương tiện di chuyển độc lập trong đại dịch càng trở nên lớn hơn.
Đã có 559.000 việc làm được tạo ra trong nền kinh tế vào tháng 5, nhưng nhiều công ty cũng đã gửi thông báo đến người lao động về việc trở lại văn phòng làm việc trong những tháng tới. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng vọt, do một số người không muốn sử dụng phương tiện công cộng để đi làm chừng nào đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt.
Người dân có nhiều tiền mặt
Trong năm ngoái, khi nhiều người lao động mất việc, họ phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn hơn. Nhưng bù lại, những người giữ được công việc thì lại có nhiều tiền mặt hơn mức bình thường do các trung tâm giải trí, nhà hàng, quán ăn, địa điểm vui chơi… đều đã bị đóng cửa buộc họ phải chôn chân tại nhà. Theo một số ước tính, người Mỹ tiết kiệm được thêm 2,4 nghìn tỷ USD so với một năm trước.
Chi tiêu cho các hoạt động như đi nghỉ và ăn uống đã giảm xuống, chi phí di chuyển cũng giảm mạnh. Thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục làm giàu cho giới đầu tư. Cùng với đó là các gói kích thích kinh tế từ chính phủ, bao gồm những khoản thanh toán trực tiếp trị giá hàng nghìn USD cho các hộ gia đình.