M&A bất động sản đạt giá trị "khủng", dự báo sôi động đến hết năm 2024

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 03/04/2023 09:09 AM (GMT+7)
Các chuyên gia đánh giá hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) sẽ sôi động đến hết năm 2024, tiếp tục đóng vai trò then chốt giải quyết cơn khát nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thắt chặt tín dụng
Bình luận 0

Hoạt động M&A bất động sản giải cơn khát vốn

Thời gian qua, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản diễn ra khá sôi động trong bối cảnh cơn khát nguồn vốn.

Theo chuyên gia Savills Việt Nam, nguyên nhân khiến hoạt động M&A tăng nhiệt được nhận định là đến từ sụt giảm thanh khoản và hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay. Các bên bán hiện đang có sự quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A do họ đang cần tiếp cận thêm dòng vốn mới. 

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản như pháp lý, quá trình phê duyệt các dự án mới, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở.

Hoạt động M&A bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024 - Ảnh 1.

Hoạt động M&A đang kênh tìm vốn tiềm năng cho bất động sản. Ảnh: H.T

Số liệu cho thấy, cả năm 2022, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt 1,7 tỷ USD, mức kỷ lục trong 5 năm qua. Sang quý 1/2023, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dữ liệu thị trường cho thấy, các thương vụ M&A đã đạt giá trị gần bằng cả năm 2022. Đáng chú ý, hầu hết các thương vụ M&A là đến từ dòng vốn ngoại.

Đơn cử, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ một dự án tại Bình Dương vào năm 2022 với giá trị gần 1.300 tỷ đồng, mới đây Gamuda Land tiếp tục mua lại dự án Elysian ở TP.Thủ Đức. Đáng chú ý sẽ là cú bắt tay giữa là CapitaLand và Vinhomes.

Tập đoàn đến từ Singapore được cho là đang xem xét mua lại một phần dự án của Vinhomes với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Nếu thỏa thuận này thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây.

"Sẽ có nhiều người bán hơn với muốn huy động vốn thông qua bán tài sản. Các hình thức M&A có thể kể đến như bán cổ phần dự án hoặc bán toàn bộ, bán quỹ đất hiện có hay bán bất động sản đang hoạt động. Có nhiều mức độ quan tâm đến M&A như vậy nên số lượng các chủ tài sản có nhu cầu bán là con số rất lớn, cao ấn tượng so với các năm trước. 

Ở bức tranh rộng hơn, nhu cầu và sự quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư đối với Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á với những nền tảng thu hút đầu tư tiềm năng", ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định.

Tiềm năng của hoạt động M&A bất động sản

Các đơn vị nghiên cứu dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động này còn phụ thuộc vào các yếu tố như phê duyệt quy hoạch, hay xác định tiền sử dụng đất… Các doanh nghiệp trong nước sự am hiểu văn hóa địa phương và khả năng tiếp cận được quỹ đất sẽ có lợi thế trong cuộc đua này.

Hoạt động M&A bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024 - Ảnh 3.

Nhiều thương vụ bạc tỷ từ M&A giúp giải cơn khát vốn với một số doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Theo ông Lực, nên cho phép bởi việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật.

Đưa ra ý kiến, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson, nhận xét hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt, vừa giúp ích cho các nhà phát triển trong nước, lại vừa phù hợp tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch quan tâm, tin tưởng vào tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam.

Hoạt động M&A bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024 - Ảnh 4.

Dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường bất động sản. Ảnh: H.T

Tương tự, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Trang Bùi bổ sung "Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Họ vẫn không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động, hoặc tìm cách liên doanh cùng các đối tác có danh tiếng tốt. Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô đã khả quan hơn và những chuyến bay quốc tế được mở lại, thị trường M&A chắc chắn là sôi động".

Theo các chuyên gia, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vào các vấn đề đang "nóng" nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý sẽ giúp củng cố niềm tin cho thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem