Malaysia dự báo nguy cơ tăng trưởng GDP -2% trong năm 2020

04/04/2020 19:06 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Malaysia mới đây dự báo nền kinh tế có nguy cơ thu hẹp 2% trong năm 2020 do sự bùng phát dịch Covid-19 khiến ít nhất 3.100 người Malaysia nhiễm bệnh.
Malaysia dự báo nguy cơ tăng trưởng GDP -2% trong năm 2020 - Ảnh 1.

Malaysia hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất Đông Nam Á, với 3.116 ca nhiễm và 50 trường hợp tử vong tính đến sáng 4/4.

Trong một báo cáo hôm 3/4, Ngân hàng Trung Ương Malaysia cảnh báo tăng trưởng GDP năm 2020 của nước này có thể dao động trong khoảng 0,5% đến - 2%, một viễn cảnh tồi tệ bậc nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 với mức tăng trưởng -1,5% được ghi nhận.

Trước đó, tăng trưởng Malaysia luôn đạt trên 4,4% mỗi năm nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào và giá cả hàng hóa cao tương đối.

Trong một tuyên bố đi kèm, Ngân hàng Trung Ương Malaysia nhận định: “Nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những tác động kinh tế to lớn từ các biện pháp kiểm dịch cần thiết khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa”.

Những biện pháp phong tỏa quốc gia và hạn chế nhập cảnh của chính phủ Malaysia được dự báo sẽ tác động lớn đến doanh thu ngành du lịch, vốn đóng góp tới 11,8% GDP đất nước Đông Nam Á này. Cụ thể, chính phủ Malaysia đã tuyên bố đóng cửa biên giới, phong tỏa quốc gia và hạn chế người dân ra ngoài trừ trường hợp cần thiết suốt 2 tuần nay.

Những con số thống kê chỉ ra lưu lượng hành khách đến các sân bay trong nước đã giảm mạnh 8,2% trong 2 tháng đầu năm và cảnh báo tiếp tục giảm sâu trong tháng 3 khi các ca nhiễm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến hàng loạt quốc gia phải tuyên bố phong tỏa, đóng cửa biên giới. Do hệ lụy từ dịch bệnh, hầu hết các ngành liên quan đến du lịch bao gồm khách sạn, thương mại bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ vận tải… đều chứng kiến sự suy giảm và trì trệ.

Ngoài cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nền kinh tế Malaysia cũng chịu tác động mạnh mẽ từ biến động của giá dầu thô. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã giảm mạnh 50% từ đầu năm đến nay, xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Giá dầu lao dốc kéo dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến triển vọng doanh thu, việc làm và đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ ở Malaysia - một đồng minh của OPEC bên cạnh Nga, Kazakhstan và Mexico.

Ngân hàng Trung Ương Malaysia cũng dự báo giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giảm sâu do nhu cầu từ các quốc gia Nhật Bản và Trung Quốc bị đại dịch Covid-19 tấn công, ăn mòn. 

Chính phủ Malaysia của Thủ tướng Muhyiddin Yassin mới đây đã tiết lộ hai gói kích thích kinh tế tới tổng trị giá 58 tỷ USD để giúp nền kinh tế đối phó với nguy cơ suy thoái. Ngân hàng Trung Ương nước này kỳ vọng các ưu đãi tín dụng và bơm thanh khoản sẽ giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến thu nhập và chi tiêu hộ gia đình, qua đó đưa “nền kinh tế phục hồi dần dần khi thị trường lao động ổn định và hoạt động kinh tế toàn cầu cải thiện”.

Ngân hàng Malaysia cũng dự báo kinh tế phục hồi vào năm 2021 với sự cải thiện nhu cầu toàn cầu, giúp thúc đẩy tăng trưởng các ngành định hướng xuất khẩu.

"Khi rủi ro từ đại dịch Covid-19 giảm, tâm lý người tiêu dùng cũng có thể được cải thiện dần. Các hạn chế du lịch nới lỏng sẽ đưa hoạt động du lịch phục hồi trở lại. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất, khai thác và nông nghiệp cũng dự kiến cải thiện trong nửa cuối năm nay” - Ngân hàng Malaysia nhận định.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục