Mất cân bằng nguồn cung vắc xin toàn cầu: hơn 150 triệu liều dư thừa tập trung ở một số quốc gia

22/07/2021 11:21 GMT+7
Tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin Covid-19 toàn cầu đang ngày càng trở nên trầm trọng khi Mỹ, EU và một số quốc gia tiên tiến dư thừa hơn 150 triệu liều vắc xin bất chấp tình trạng thiếu hụt ở nhiều nước châu Á.

Theo UNICEF, Mỹ đã viện trợ khoảng 46 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước đang phát triển, nước nghèo và các quốc gia khác từ lượng vắc xin dư thừa trong nước. Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận hoán đổi vắc xin với Israel để thu về số vắc xin dư thừa sắp hết hạn của Israel. Tuy nhiên, lượng vắc xin sẵn có theo các thỏa thuận viện trợ và hoán đổi như vậy vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của các quốc gia trên thế giới.

Theo chuyên gia phân tích Anthony McDonnell thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, tình trạng bất bình đẳng trong nguồn cung vắc xin Covid-19 thế giới đang ngày càng trầm trọng khi tiến độ sản xuất của các công ty dược phẩm không đáp ứng kịp nhu cầu.

Thêm vào đó, một số quốc gia đang xem xét biện pháp “tiêm chủng bổ sung”, tức tiêm thêm liều vắc xin thứ ba khác loại nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Điều này càng gây ra mối quan ngại về tình trạng nguồn cung vắc xin thiếu hụt. Nếu không có cơ chế hợp tác quốc tế để phân phối vắc xin đồng đều, nguy cơ mất cân bằng nguồn cung sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. 

Mất cân bằng nguồn cung vắc xin toàn cầu: hơn 150 triệu liều dư thừa tập trung ở một số quốc gia - Ảnh 1.

Mất cân bằng nguồn cung vắc xin toàn cầu: hơn 150 triệu liều dư thừa tập trung ở một số quốc gia (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Tờ Nikkei đã tiến hành khảo sát số lượng vắc xin được mua và liều lượng vắc xin được sử dụng trong tiêm chủng tại 33 quốc gia trên toàn cầu bao gồm Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Kết quả chỉ ra rằng tại Mỹ, cho đến nay có 390 triệu liều vắc xin đã được chuyển đến các địa điểm tiêm chủng, trong đó 340 triệu liều đã được tiêm, khoảng 50 triệu liều chưa được sử dụng. Con số 50 triệu liều tương đương 100 ngày tiêm chủng, dựa trên số lượng các mũi tiêm hàng ngày gần đây tại Mỹ.

Tại liên minh châu Âu (EU) không bao gồm Anh, có khoảng 80 triệu liều vắc xin chưa được sử dụng, tương đương nguồn cung cho 25 ngày tiêm chủng. Trong đó 14,7 triệu liều nằm ở Đức và 10,6 triệu liều khác ở Pháp. 

Nhìn chung, tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin Covid-19 toàn cầu đang ngày càng trở nên trầm trọng khi Mỹ, EU và một số quốc gia tiên tiến dư thừa hơn 150 triệu liều vắc xin bất chấp tình trạng thiếu hụt ở nhiều nước châu Á.

Các quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng hiện đang gặp khó khăn để đạt được miễn dịch bầy đàn (tức 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin). Chẳng hạn tại Israel, tỷ lệ tiêm chủng bị đình trệ ngay ở mốc 60% dân số. Tại Mỹ, con số hiện dao động quanh mức 50% do số người không đồng ý tiêm chủng tăng lên vì lo ngại tác dụng phụ bất lợi từ vắc xin. Đó là nguyên nhân vì sao vắc xin tồn đọng ở các quốc gia này.

Có một nguyên nhân khác làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt vắc xin toàn cầu, đó là việc các quốc gia sản xuất vắc xin ưu tiên nguồn cung trong nước. Chẳng hạn Ấn Độ, quốc gia được mệnh danh là công xưởng dược của thế giới, nơi sản xuất dòng vắc xin AstraZeneca cung cấp cho sáng kiến liên minh vắc xin COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới WHO hậu thuẫn. Ấn Độ đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu vắc xin vào cuối tháng 3 năm nay sau khi làn sóng dịch Covid-19 lây lan rộng rãi trong nước, biến quốc gia này thành một trong ba ổ dịch lớn nhất hành tinh. Từ đó đến nay, lượng vắc xin tồn kho tại Ấn Độ đã tăng lên khoảng 20 triệu liều. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi tham vọng tiêm chủng cho tất cả công dân trưởng thành (940 triệu người), tức là nguồn cung vắc xin tại Ấn Độ chắc chắn sẽ tập trung phục vụ nhu cầu trong nước trước khi nối lại xuất khẩu. 

Tình hình thiếu vắc xin trầm trọng hơn tại các quốc gia châu Á và châu Phi đang phải dựa vào nguồn cung vắc xin nhập khẩu. 

Một thống kê do Nikkei Asian Review phối hợp với Financial Times thực hiện cho thấy số lượng mũi tiêm đã hoàn tất trên toàn cầu tính đến hết 15/7 hiện đạt 3,5 tỷ liều. Để toàn cầu đạt khả năng miễn dịch bầy đàn, cần thêm 7,2 tỷ liều tiêm nữa (trong trường hợp mỗi người dân cần 2 liều tiêm). Còn trong trường hợp sự lây lan biến chủng virus delta khiến liều tiêm thứ ba trở nên cần thiết, thế giới cần thêm 12,6 tỷ liều tiêm nữa, tương đương gần 4 lần số liều vắc xin đã được tiêm cho đến nay.


NTTD
Cùng chuyên mục