ADB hạ dự báo tăng trưởng Đông Nam Á khi biến chủng virus delta hung tàn càn quét nhiều quốc gia
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á bản cập nhật mới nhất của ADB chỉ ra rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây do biến chủng virus delta tại nhiều nền kinh tế Đông Nam Á và Ấn Độ đang có nguy cơ làm chậm đà phục hồi kinh tế của các khu vực này so với dự kiến ban đầu.
Cụ thể, ADB hạ dự báo tăng trưởng chung năm 2021 của các quốc gia đang phát triển châu Á từ mức 7,3% trước đó xuống còn 7,2%, nhưng nâng kỳ vọng tăng trưởng năm 2022 của khu vực từ 5,3% lên 5,4%.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng 8,1% trong năm nay, vượt qua mức mục tiêu hơn 6% mà Bắc Kinh đặt ra hồi đầu năm nay; trước khi trở lại mức tăng trưởng bình quân 5,5% vào năm 2022, theo các chuyên gia ADB.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Ấn Độ đã bị hạ 1% xuống 10,0%.
ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á từ 4,4% xuống 4% sau khi làn sóng dịch bệnh mới khiến nhiều chính phủ trong khu vực buộc phải ban hành các biện pháp phong tỏa, hạn chế kiểm dịch mới tại các địa phương, gây sức ép nặng nề lên đà phục hồi chung. Dự báo trong năm 2022, tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ phục hồi lên mức 5,7%.
Dự báo tăng trưởng của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là tâm chấn mới của đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây, đã bị hạ từ 4,5% xuống 4,1%. Quốc gia này hiện ghi nhận hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày do dịch Covid-19, vượt qua cả Brazil - một trong những ổ dịch lớn nhất toàn cầu.
ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng năm nay của hàng loạt quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi biến chủng virus delta như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm từ 6,7% xuống 5,8% trong năm nay trước khi dự kiến tăng 7% trong năm 2022.
Thái Lan được dự báo tăng trưởng giảm từ 3% trong năm nay xuống chỉ còn 2%, nhưng sẽ phục hồi mạnh mẽ 4,9% trong năm 2022.
Dự báo tăng trưởng của Malaysia bị hạ từ 6% xuống 5,5% trong năm nay, dự kiến phục hồi 5,7% trong năm tiếp theo.
Philippines, quốc gia tuần trước vừa phát hiện các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên gây ra bởi biến chủng delta, được ADB dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 4,5% như dự kiến trước khi mở rộng 5,5% vào năm sau.
Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19 mặc dù hành trình phục hồi còn bấp bênh do hàng loạt đợt bùng phát dịch bệnh mới gây ra bởi các biến chủng virus mới và tốc độ tiêm vắc xin không đồng đều”.
Theo thống kê của ADB, tốc độ tiêm vắc xin của khu vực đang được đẩy mạnh, ước tính bình quân 41,6 liều tiêm trên mỗi 100 người tính đến cuối tháng 6, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 39,2 liều tiêm trên mỗi 100 người. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 97,6 liều tiêm trên mỗi 100 người ở Mỹ và 81,8 liều tiêm trên mỗi 100 người ở Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng bình quân của các quốc gia này chỉ mới đạt 9% tổng dân số, cao hơn châu Phi và Trung Á và thấp hơn hầu hết các khu vực còn lại trên toàn cầu.
Trong tuần thứ hai của tháng 7, dữ liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 tại Đông Nam Á đã tăng mạnh 41%. Còn trong giai đoạn từ ngày 8/7-14/7, tỷ lệ ca tử vong do Covid-19 ở khu vực này tăng 39%, mức tăng nhanh nhất từng ghi nhận trên thế giới, theo Bloomberg.