Mất oan tiền tỷ cho 'cò' để xuất khẩu khẩu trang
Nhiều tháng nay, các phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Đầu tư & thương mại TNG (Thái Nguyên) vẫn ro ro tiếng máy, công nhân làm việc không nghỉ, nhất là sau khi các mặt hàng này được 'tháo phanh' xuất khẩu. "Mỗi tuần chúng tôi nhận được đơn hàng may khẩu trang, đồ bảo hộ lên tới hàng chục triệu chiếc", ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG hồ hởi.
Nhưng không phải đơn vị nào cũng may mắn như TNG. Không ít doanh nghiệp dệt may khác vẫn loay hoay với việc xin giấy chứng nhận chất lượng CE từ EU, hay FDA nếu xuất hàng sang thị trường Mỹ, nên vẫn khó xuất khẩu.
Chủ một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM cho biết, thời gian đầu khi doanh nghiệp này "chân ướt chân ráo" tìm đường đưa khẩu trang xuất sang EU đã nhận được không ít lời mời chào từ các "cò". Họ hứa trong vòng 2 tuần sẽ thu xếp được chứng chỉ chất lượng từ phía EU, thay vì mất 1-2 tháng tự làm các thủ tục. Đổi lại, giá có được các chứng chỉ này thông qua các môi giới không hề rẻ, 1-2 tỷ đồng.
"Chúng tôi mất tiền cho "cò" nhưng rồi cuối cùng hàng không xuất đi được vì không đạt yêu cầu chất lượng", vị này buồn rầu.
Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ. Ông kể, cơ quan quản lý nhận được khá nhiều phản ánh từ doanh nghiệp. Có đơn vị vì tin mà chuyển tiền cho môi giới với hy vọng rút ngắn thời gian xuất được hàng, nhưng rồi ngã ngửa khi chứng chỉ chất lượng nhận về là giấy tờ không hợp lệ do đơn vị chứng nhận không đủ thẩm quyền hoặc không được uỷ quyền cấp xác nhận.
Ông cũng nhận xét, xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Mỹ là trở ngại lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận mất tiền qua "môi giới" để có được. Một số thậm chí sẵn sàng trở thành đơn vị gia công cho các công ty thương mại. Nhưng như vậy, theo ông Hải, vô tình các doanh nghiệp dệt may ở trong thế "gia công khẩu trang xuất khẩu, dù may sản phẩm này không khó".
Thị trường xuất khẩu đồ bảo hộ phòng Covid-19 tăng trưởng nóng và có dấu hiệu không kiểm soát được chất lượng, dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tới hình ảnh hàng xuất khẩu Việt Nam. Đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, nhất là khi muốn cấp chứng nhận CE để xuất khẩu vào thị trường EU và chứng nhận FDA để xuất hàng sang Mỹ.
"Dù là sản phẩm thời vụ, nhưng thách thức là doanh nghiệp phải chứng minh với thế giới mình làm được và uy tín. Không nên vì muốn rút ngắn thời gian mà ‘tiền mất tật mang’, mất uy tín", ông Hải lưu ý.
Khẩu trang, đồ bảo hộ y tế là bước chuyển "cứu cánh" cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi mặt hàng sản xuất chính bị đình đốn bởi Covid-19. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năng lực sản xuất khẩu trang của riêng 50 doanh nghiệp báo cáo về cơ quan này, là 8 triệu chiếc một ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Với khẩu trang y tế, doanh nghiệp cũng có thể sản xuất được cả chục triệu chiếc một ngày nên có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu. Tổng cục Hải quan cho hay, đến hết tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu tới 415 triệu chiếc khẩu trang cho hàng chục nước trên thế giới.
Ở góc độ trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu trên thế giới về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phòng dịch rất lớn, ít nhất trong vòng một năm tới cầu các sản phẩm này vẫn duy trì cho tới khi vaccine ngừa Covid-19 được thử nghiệm sản xuất thành công. Khi đó, những doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi, đạt các chứng chỉ chất lượng và tìm được đối tác tin cậy sẽ "thắng".
Ông Trần Nam Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Đông Bích, đơn vị đã xuất hàng chục triệu khẩu trang, đồ bảo hộ sang các thị trường thời gian qua góp ý, cần sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất trong ngành từ khâu nguyên liệu vải, may... Đặc thù sản phẩm này là yêu cầu thời hạn giao hàng nhanh trong thời gian ngắn. "Nếu các doanh nghiệp chỉ may gia công, xuất đơn lẻ thì không ăn thua", ông nói.