Một doanh nghiệp chi cho Chủ tịch hơn 7 tỷ đồng/tháng, báo lãi tăng 43% trong quý II/2024

21/07/2024 11:21 GMT+7
Khử trùng Việt Nam báo lãi sau thuế quý II đạt 81,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Khử trùng Việt Nam (mã: VFG) vừa công bố Báo cáo tài chính Mẹ quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 850,8 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 32,8%; lãi gộp ở mức gần 200 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước đó. Doanh thu tài chính tăng 9,7% lên 19,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 37% lên 14,4 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng ở mức 75,2 tỷ đồng, giảm 26,5%; chi phí quản lý tăng 17% lên 15,7 tỷ đồng. Lợi nhuận khác gấp gần 2 lần lên hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả, Khử trùng Việt Nam báo lãi sau thuế quý II đạt 81,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VFG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.817 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 160,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 33,5% và 42,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tổng tài sản của Khử trùng Việt Nam tính tới cuối tháng 6/2024 đạt 2.151 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Trữ tiền đạt 30,8 tỷ đồng, giảm 90% so với đầu năm; phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 37,4% xuống 444,3 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 19,2% so với đầu năm, ở mức hơn 858 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả giảm 50% xuống 848,2 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 62% xuống còn 142,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 4,6% so với đầu năm, ở mức 1.303 tỷ đồng.

Trong kỳ này, Khử trùng không công bố mức thu nhập của các thành viên HĐQT - Ban Điều hành. Trong quý I/2024, Khử trùng Việt Nam gây xôn xao khi chi mức thu nhập cho dàn lãnh đạo ở mức cao ngất ngưởng. 

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Bạch Tuyết có mức thu nhập gần 22,4 tỷ đồng trong quý đầu, tương ứng 7,4 tỷ đồng/tháng; ông Trương Công Cứ - Tổng Giám đốc có thu nhập 20,5 tỷ đồng, tương ứng 6,8 tỷ đồng/tháng; ông Trần Văn Dũng có thu nhập 15,8 tỷ đồng, tương ứng gần 5,3 tỷ đồng/tháng...

Năm 2024, VFG đặt mục tiêu doanh thu 3.690 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng vào năm 2024, lần lượt tăng nhẹ 4% và 2% so với năm trước. Sau quý I, Công ty thực hiện được 26,2% doanh thu và 26,3% lợi nhuận năm.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL chất vấn về khoản tiền VFG cho Tập đoàn PAN vay còn lớn hơn vốn điều lệ và khoản tiền VFG đầu tư vào Công ty Hải Yến đã lâu, đến nay vẫn tranh chấp với đối tác liên danh

Đoàn Chủ tịch VFG đã giải thích rằng Tập đoàn PAN là một tập đoàn mạnh, đầu tư vào nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, và các khoản đầu tư này đã mang lại nhiều cơ hội kinh doanh tốt cho VFG. Khoản tiền vay của PAN phát sinh từ tháng 6/2023, trước thời điểm VFG vay từ Ngân hàng HSBC để thanh toán trước hạn cho đối tác Syngenta nhằm nhận được chiết khấu cao hơn lãi suất phải trả.

Đại diện PAN, ông Nguyễn Anh Tuấn, cũng là thành viên Ban Kiểm soát của VFG, cho biết các khoản đầu tư này là an toàn và PAN đã có kế hoạch hoàn trả khoản vay cho VFG khi đến hạn.

Vấn đề đáng lưu tâm khác là khoản đầu tư của VFG vào Công ty Hải Yến để xây dựng khách sạn Novotel Nha Trang. Đại diện VFG cho biết việc đầu tư này đã diễn ra từ lâu, nhưng vẫn đang gặp vướng mắc về tranh chấp vốn với đối tác liên danh. Ban lãnh đạo VFG đã nỗ lực điều hành và quản lý hoạt động của khách sạn để mang lại hiệu quả kinh doanh, dù gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Accor, đơn vị kinh doanh khách sạn, đã làm tốt nhiệm vụ của mình kể cả trong thời điểm dịch COVID-19.

Việc hợp tác này bắt đầu từ tháng 7/2004 khi VFG ký hợp đồng góp vốn liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp III (Centrimex) để thành lập Công ty TNHH Hải Yến, trụ sở tại số 50 Trần Phú, thành phố Nha Trang. Đến ngày 9/10/2007, Centrimex sáp nhập vào Công ty Thực phẩm Đầu tư Công nghệ (Fococev), và Fococev không đồng ý với tỷ lệ lợi ích của các bên trong Hải Yến. VFG đã khởi kiện Fococev ra Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa để giải quyết tranh chấp. Đến cuối quý 1/2024, tức sau 16 năm, vụ việc vẫn đang được xử lý và Tòa án chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Chủ tịch VFG Nguyễn Bạch Tuyết, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Hải Yến. Cập nhật thông tin doanh nghiệp vào tháng 4/2021 cho thấy Công ty Hải Yến có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó VFG nắm giữ 66,67% và CTCP Fococev Việt Nam nắm giữ 33,33% còn lại.

Trong quý II/2024, ghi nhận tại BCTC, Khử trùng Việt Nam đầu tư vào Công ty Hải Yến là 179,5 tỷ đồng

Mi Lan
Cùng chuyên mục