Một loại quả cực ngon của Việt Nam nhưng phải "mang danh" khi xuất khẩu vào Trung Quốc mới khổ

01/02/2022 20:02 GMT+7
Vì chưa ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên quả sầu riêng của Việt Nam hiện phải xuất khẩu vào thị trường này dưới danh nghĩa sầu riêng Mongthon của Thái Lan hoặc Malaysia...

Nhu cầu bùng nổ về sầu riêng ở Trung Quốc

Mỗi năm, Trung Quốc chi 10 tỷ USD để nhập khẩu trái cây, trong đó có 2,3 tỷ USD dành cho mặt hàng sầu riêng. Nhưng mỗi năm, Việt Nam chỉ bán cho Trung Quốc được khoảng 11 triệu USD, chiếm 0,4%. Nghĩa là dư địa thị trường cho sầu riêng Việt vẫn còn rất lớn.

Một loại quả cực ngon của Việt Nam nhưng phải "mang danh" khi xuất khẩu vào Trung Quốc mới khổ - Ảnh 1.

Mỗi năm, Trung Quốc chi 10 tỷ USD để nhập khẩu trái cây, trong đó có 2,3 tỷ USD dành cho mặt hàng sầu riêng. Ảnh: TN

Thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ chóng mặt, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 16%. 

Cục này dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 809.000 tấn, trị giá tới 4,13 tỷ USD. Khối lượng sầu riêng nhập khẩu hàng năm cao nhất trước đó của Trung Quốc là 604.500 tấn vào năm 2019, còn trị giá nhập khẩu cao nhất là 2,3 tỷ USD vào năm 2020. Cả hai kỷ lục đã bị phá vỡ trong 11 tháng năm 2021. 

Tuy nhiên, một điều đáng buồn là nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc chủ yếu từ Thái Lan chứ không phải từ Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhu cầu bùng nổ cộng với chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến giá sầu riêng tăng. Giá trung bình của sầu riêng tươi ở Trung Quốc đã tăng lên 4,0 USD/kg vào năm 2020 và năm 2021 lên mức cao là 5,11 USD/kg. Do khó khăn trong vận chuyển bởi đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như tiến độ thương mại hóa sầu riêng nội địa của Trung Quốc chậm, giá dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. 

Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu sầu riêng, với 621.000 tấn xuất khẩu vào năm 2020, tăng 135.000 tấn so với năm 2019, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 93%. Năm 2021 là một năm đáng chú ý đối với doanh số bán sầu riêng của Thái Lan do nhu cầu bùng nổ của Trung Quốc. 

Thái Lan sản xuất 1,11 triệu tấn sầu riêng vào năm 2020 và gần 1,29 triệu tấn vào năm 2021 và phần lớn được bán với giá tốt vào Trung Quốc. Các vấn đề về hải quan và vận chuyển do dịch Covid-19 bùng phát dự kiến sẽ là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc trong năm 2022, nhưng dự báo năm nay xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc vẫn cực lớn. 

Hiện các phòng thương mại của Thái Lan đã thảo luận về các biện pháp để giảm thiểu những rủi ro trên đối với hoạt động thương mại sầu riêng của Thái Lan. Các biện pháp này bao gồm áp dụng các biện pháp vệ sinh chặt chẽ hơn đối với hàng xuất khẩu, mở ra các tuyến thương mại mới với Trung Quốc và phát triển quan hệ thương mại với các nước khác để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Một loại quả cực ngon của Việt Nam nhưng phải "mang danh" khi xuất khẩu vào Trung Quốc mới khổ - Ảnh 2.

Hơn 70% sản lượng sầu riêng nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc là qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao.

Sầu riêng Việt phải "mang danh" khi xuất khẩu vào Trung Quốc

Trở lại quả sầu riêng xuất vào Trung Quốc đối với Việt Nam, được biết, tháng 12/2018, sầu riêng của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy khoảng hơn 70% sản lượng sầu riêng nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc là qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn đang đàm phán. Trong năm 2021, thị trường Trung Quốc đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp rất nhiều khó khăn.

Sầu riêng được mệnh danh là “Vua trái cây” nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hàng bán tại vườn cũng không đủ, tuy nhiên, giá thấp hơn nhiều so với xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu có thương hiệu, chất lượng ngon, quả đồng đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ có giá cao hơn nhiều.

Nhưng muốn xuất khẩu được vào Trung Quốc, sầu riêng Việt phải có thương hiệu, phải có mã vùng trồng, mã đóng gói. Các cơ quan chức năng cho biết, nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc có thể đã kết thúc từ năm 2020. 

Trước đó, cơ quan chức năng hai bên Việt Nam-Trung Quốc đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này. Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại vì dịch Covid-19. việc đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm sầu riêng bị gián đoạn do chuyên gia Trung Quốc không thể đến Việt Nam kiểm tra thực tế và hoàn thành dự thảo Nghị định thư xuất khẩu.

Việt Nam hiện chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc sớm mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho một số nông sản mà Việt Nam đã gửi hồ sơ như yến sào, sầu riêng...

Cũng vì chưa ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, quả sầu riêng của Việt Nam hiện phải xuất khẩu vào thị trường này dưới danh nghĩa sầu Mongthon của Thái Lan hoặc Malaysia. Việt Nam hiện có khoảng 50.000 – 60.000ha trồng sầu riêng trên toàn quốc. Hằng năm, sầu riêng Việt Nam phải đi vòng qua Thái Lan, Malaysia để vào Trung Quốc vừa gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa không giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm cho trái cây Việt Nam.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục