Một tuần sau trận cam Hàm Yên rụng "vàng gốc"
Đến thăm Hàm Yên vào một ngày mưa phùn lạnh, tôi không khỏi giật mình vì cuộc sống ảm đảm nơi đây, khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Tấp vào ven đường, tôi làm quen với chị Hoa – một gia đình đã gắn bó với nghề cam hơn 10 năm tại đất Yên Lâm, chia sẻ: "Nhà chị trồng cũng 4 – 5ha cam, như mọi năm cũng thu hoạch gần trăm tấn, còn năm nay cam cũng sai nhưng rụng nhiều, chỉ còn độ vài chục tấn. Bây giờ chỉ còn cắt vét, còn bao nhiêu thì được bấy nhiều.
Mọi năm trừ chi phí cũng phải được 4-500 triệu, còn năm nay thì coi như công cốc, may ra thì đủ tiền đầu tư, không có lãi. Dân ở đây nói chung là chết đói."
Chỉ vào đồi cam chỗ đối diện, chị chia sẻ: "Nhà ông bà kia mới trồng cam, nhà cũng khó khăn lắm, thế mà cam rụng hết, bây giờ không biết còn nổi tạ cam không".
Nói chuyện với tôi, miệng cười mà khóe mắt đỏ hoe, có lẽ rằng chị đang tiếc cho cả một năm lao động vất vả, tiếc bao công sức trồng cây, chăm bẵm, để đến ngày thu hoạch thành quả của mình thì gần như rơi theo từng trái cam. Chị tâm sự: "Ở đây không có đất bằng, đất đồi là chủ yếu. Chăm cam thì chăm quanh năm, vất vả lắm. Phát cỏ, phun thuốc, tưới tắm quanh năm, chỉ đến khi gần thu hoạch mình mới được nghỉ. Nhưng cũng phải thuê thêm nhân công để thu hoạch. Mọi năm nó cũng rụng nhưng rụng ít, chưa bao giờ rụng nhiều như năm nay, nhiều nhà mất 70-80%, còn người thì mất sạch."
Năm nay du lịch cũng kém, như mọi năm thì cam bán cho người du lịch nhiều, mỗi người cũng phải vài chục cân làm quà, mỗi ngày chị bán cũng phải gần tấn, còn năm nay cam rẻ còn không có người mua, bán chủ yếu cho xe tải nhưng cũng không ăn thua. Năm nay mất mùa còn mất cả giá…".
Không chỉ mình gia đình chị Hoa mà rất nhiều gia đình xung quanh trồng cam mà không có sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp, mọi người trồng chủ yếu theo kinh nghiệm kiểu "cha truyền con nối", từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi vậy những quy chuẩn, quy định gần như không được đáp ứng. Theo chia sẻ của người dân, đến hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho những thiệt hại.
"Ở Hà Giang đã hỗ trợ 4 triệu cho mỗi ha rụng trên 70%, còn ở đây vẫn chưa thấy gì", chị Hoa nói.
"Cần lắm một nhà máy chế biến…"
Nói chuyện được một lúc thì chị có việc phải đi, bố của chị - ông Nhân ra tiếp chuyện tôi. Ông năm nay đã ngoài 65 tuổi, dáng người gầy, hằn lên vẻ vất vả, tần tảo của người nông dân. Ông tâm sự: "Ông trồng cam được 20 năm nay, thị trường biến đổi lên xuống, mất mùa cũng phải chịu nhưng như năm nay thì nhà tôi chết đói. Nhưng điều tôi bức xúc nhất là bao nhiêu năm rồi mà ở đây chưa xây dựng được một nhà máy chế biến để tiêu thụ hàng cho dân. Đất có, nguyên liệu có, vậy mà chính quyền lại không tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Cam là một trong những trái tốt bậc nhất, dinh dưỡng có cả. Vậy mà lại để tình trạng 4-5 ngàn 1kg không ai mua. Nếu như có nhà máy, cam có thể vắt nước, chế biến thành sản phẩm đóng chai, ngoài ra những loại hoa quả khác cũng có thể chế biến sâu, đến lúc đó thì dân đỡ khổ.
Cam thì chủ yếu bán ở trong nước, cho người dân đi qua, chưa có tập trung để xuất khẩu nên công sức nhiều mà giá trị chẳng bao nhiêu."
Một lúc sau, ông dẫn tôi đi thăm vườn cam của em trai ông. Nhìn cảnh cam rụng thối chất đầy góc vườn, tôi không khỏi đau lòng. Vừa đi, ông Nhân vừa nói công sức chăm sóc cam, rồi sự tiếc nuối khi cam rơi vàng gốc như này. Thậm chí cam rụng nhiều, gia đình lại phải cào ra xa gốc để cho đỡ thối gốc cây. Cam rụng xuống cao nhiều chết cả cá. Mà cam rụng thì chỉ vứt đi, không thể làm gì được.
ngày 26 tháng 2, 2020