MPC bổ sung cổ tức, gia đình “vua tôm” Lê Văn Quang thu về gần 160 tỷ
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của ông Lê Văn Quang vừa ký nghị quyết thông qua việc chia thêm cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt.
Gia đình "vua tôm" nhận về gần 160 tỷ tiền mặt
Theo đó, Minh Phú sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của công ty.
Hiện ông Lê Văn Quang đang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Minh Phú và vợ ông Quang là bà Chu Thị Bình, thành viên HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc công ty sở hữu 35 triệu cổ phiếu MPC. Bà Bình chính là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú. Ngoài ra, các con của ông Quang và bà Bình cũng giữ 11,7 triệu cổ phiếu công ty.
Với gần 79 triệu cổ phiếu, ước tính gia đình bà Chu Thị Bình nhận về 158 tỷ đồng tiền mặt trong đợt chia cổ tức bổ sung lần này.
Ngoài ra, một doanh nghiệp liên quan ông Lê Văn Quang là Công ty Cổ phần Đầu tư Long Phụng cũng sẽ nhận 16 tỷ đồng với gần 8,2 triệu cổ phiếu của Minh Phú đang sở hữu. Ông Quang là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật, đồng thời sở hữu 45% doanh nghiệp nói trên.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Minh Phú đã tiến hành chia cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% tương ứng 5.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản của "vua tôm" Lê Văn Quang đã chi cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ tổng cộng lên tới 70%.
Đây là tỷ lệ chia cổ tức rất cao so với mặt bằng chung của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lợi nhuận "bốc hơi" gần 40% năm 2019
Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 với đa phần các chỉ tiêu đều giảm.
Quý IV/2019, MPC ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 5% so cùng kỳ, đạt gần 4.205 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán ghi nhận đạt hơn 3.930 tỷ đồng dẫn đến lãi gộp của MPC giảm 42% so cùng kỳ, chỉ đạt hơn 275 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp "tiết kiệm" 24% chi phí bán hàng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm đến 66% so cùng kỳ, đạt gần 21 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 4%, đạt gần 61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý IV/2019, MPC ghi khoản lãi từ công ty liên kết gần 13 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Kết quả, MPC ghi nhận lãi ròng sụt giảm 51% so cùng kỳ, xuống còn gần 52 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2019, MPC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 16.935 tỷ đồng và lãi gộp đạt hơn 1.677 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2018. Chi phí bán hàng cũng giảm 5%, xuống còn gần 857 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt hơn 209%, tăng 7% so với năm trước.
Kết thúc năm 2019, MPC báo lãi sau thuế 439 tỷ đồng, "bốc hơi" 38% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, MPC ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 8,540 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của MPC tính đến ngày 31/12/2019 gấp 3 lần so với đầu năm, đạt hơn 1.408 tỷ đồng với 99% là tiền gửi có kỳ hạn. Ngược lại, MPC lại ghi nhận hàng tồn kho giảm 2 lần so với đầu năm, đạt gần 2.826 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm, hàng hóa chiếm 90%, đạt hơn 2.607 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản nợ phải trả của MPC tính đến ngày 31/12/2019 cũng đã giảm 34% so với ngày đầu năm, ghi nhận đạt gần 3.519 tỷ đồng.