Mỹ "đàn áp" Huawei, Bắc Kinh dội vốn khủng cho nhà sản xuất chip nội địa
Tới đây, các quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải điều hành sẽ tiến hành bơm vốn 2,25 tỷ USD cho một công ty con thuộc tập đoàn sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC. Như vậy, khoản đầu tư sẽ đưa cổ phần của SMIC tại công ty này giảm từ 50,1% xuống 38,5%.
Trước đó, hồi đầu tuần, hãng sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei sau khi Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài của Washington chính thức có hiệu lực. Bộ quy tắc quy định các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất chip bằng thiết bị sản xuất của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei.
TSMC hiện là nhà sản xuất chính các đơn hàng chip của Huawei, cung cấp tới 98% các lô hàng chip smartphone cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Nhưng TSMC cũng sử dụng dây chuyền thiết bị sản xuất chip từ Mỹ, tức là phải được Washington cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei.
Mối đe dọa bị cắt nguồn cung ứng chip toàn cầu đã buộc Huawei dịch chuyển chuỗi cung ứng về nước. Và SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc rõ ràng là lựa chọn sáng giá nhất. Hồi tháng 4/2020, SMIC gây xôn xao khi tặng nhân viên chiếc smartphone Honor Play 4T mới nhất của Huawei trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập doanh nghiệp, với dòng chữ nổi bật "Powered by SMIC”. Những lời này khẳng định SMIC đã sản xuất thành công chipset Kirin 710A được thiết kế bởi công ty con HiSilicon của Huawei. Ban đầu, Huawei định sản xuất con chip này tại TSMC, nhưng xung đột thương mại Mỹ - Trung và những nguy cơ cắt đứt nguồn cung chip đã khiến Huawei chuyển sang làm ăn với SMIC.
Dự kiến, nhà máy SMIC tại Thượng Hải sẽ tăng quy mô sản xuất chip Kirin 710A 14nm từ 6.000 wafer/ tháng lên 35.000 wafer/ tháng để đáp ứng nhu cầu của Huawei, đồng thời đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất chip 12nm tiên tiến hơn.
Trước đó, SMIC đã có kế hoạch kêu gọi vốn 25 tỷ NDT thông qua niêm yết trên sàn STAR thuộc Ủy ban Đổi mới Khoa học & Công nghệ (Thượng Hải). Công ty cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu vốn 30% lên 4,3 tỷ USD để đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển. Việc tăng vốn sẽ giúp nâng công suất sản xuất hàng tháng của nhà máy lên khoảng 20% từ nay đến cuối năm, theo nhận định của một chuyên gia trong ngành.
Tại thời điểm hiện tại, SMIC vẫn chưa thể bắt kịp TSMC ở cả quy mô và năng lực sản xuất. TSMC hiện đã có dây chuyền sản xuất chip 990 5nm tiên tiến nhất thế giới, trong khi năng lực sản xuất của SMIC hiện vẫn chỉ dừng ở chip 12nm cách hai thế hệ. Quý I/2020. SMIC báo cáo doanh thu 905 triệu USD trong khi doanh thu TSMC lên tới 10,31 tỷ USD.
Một vấn đề nghiêm trọng khác, SMIC hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ. CEO SMIC Zhao Haijun mới đây cho biết công ty hoàn toàn cam kết tuân thủ tất cả các quy định của Mỹ. Đây rõ ràng là một rủi ro lớn với ngành sản xuất chip Trung Quốc, và việc tăng đầu tư để “tự lực” ngành công nghiệp chip là quyết định không bất ngờ. Nhất là khi sáng kiến Made in China 2025 của Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu chip trong nước trong năm 2025.