Washington giáng đòn tử với Huawei, vì sao doanh nghiệp Mỹ kêu cứu?

20/05/2020 18:04 GMT+7
Kể từ khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ đến nay, chính phủ Mỹ đang tìm mọi cách phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ, ngăn đồng minh hợp tác với Huawei xây dựng cơ sở mạng 5G. Bất chấp những nỗ lực như vậy, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn báo cáo doanh thu tăng 19% trong năm ngoái.

Chính quyền Trump rõ ràng không từ bỏ việc giáng đòn Huawei, nhất là khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang trở lại do đại dịch Covid-19. Mới đây nhất, hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ ban hành Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, theo đó quy định các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ cũng phải tuân theo quy định xuất khẩu của Mỹ. Nghĩa là giờ đây, ngay cả nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) cũng phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn bán chip cho Huawei.

Washington giáng đòn tử với Huawei, vì sao doanh nghiệp Mỹ kêu cứu? - Ảnh 1.

Bộ Quy tắc mới của Mỹ nhằm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei

HiSilicon, công ty con chuyên về mảng phát triển chip của Huawei hiện chỉ có chức năng thiết kế chip, còn việc sản xuất chip phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip hợp đồng như TSMC. Ước tính 98% chip smartphone của Huawei được sản xuất bởi TSMC. Tuy nhiên, TSMC lại sản xuất chip cho Huawei bằng thiết bị nhập khẩu từ các công ty Mỹ như Applied Materials và Teradyne. To. Đó là lý do tại sao hôm 18/5, sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra bộ quy tắc mới, TSMC quyết định ngừng nhận các đơn đặt hàng từ Huawei. Cho đến chừng nào chưa được Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép đặc biệt, TSMC sẽ chưa thể làm ăn trở lại với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này.

Thực tế, Bộ Quy tắc không chỉ giáng đòn tử vào đế chế Huawei của Chủ tịch Nhậm Chính Phi, mà còn làm tổn thương chính các doanh nghiệp Mỹ. Hồi tháng 4, sau khi tờ Reuters trích dẫn các nguồn tin về việc Mỹ xem xét chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei như vậy, 9 hiệp hội thương mại Mỹ đã gửi thư trình lên Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng động thái này sẽ làm tổn thương “ngành công nghiệp sản xuất chip, chuỗi cung ứng toàn cầu và lĩnh vực công nghệ một cách sâu sắc”. 

Mỗi năm, các công ty Mỹ thu về 20 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu thiết bị sản xuất chip, theo số liệu từ hiệp hội thương mại SEMI (bao gồm các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn và điện tử Mỹ). SEMI cho hay kế hoạch chặn đứng nguồn cung chip của Nhà Trắng với Huawei sẽ “không khuyến khích đầu tư và đối mới” với ngành công nghệ chip Mỹ, đồng thời buộc các công ty công nghệ thế giới “thiết kế” thiết bị sản xuất chip tương tự Mỹ từ sản phẩm linh kiện của họ. Nhìn chung, Bộ quy tắc như vậy có nguy cơ gây tổn thất doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp Mỹ. 

Hồi tháng 3, một báo cáo độc lập của Tập đoàn tư vấn Boston đã nhấn mạnh “ngành công nghiệp chip phát triển mạnh mẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ”. Tập đoàn này dự báo doanh thu công ty công nghệ Mỹ giảm mạnh 16% trong 3-5 năm tiếp theo nếu Mỹ tiếp tục duy trì các hạn chế hiện tại. Doanh thu thậm chí có thể giảm tới 37% nếu Mỹ cấm hoàn toàn các nhà sản xuất chip xuất khẩu cho khách hàng từ Trung Quốc. 

Việc doanh thu giảm sẽ buộc các công ty Mỹ cắt giảm chi tiêu vốn và hoạt động nghiên cứu phát triển, qua đó làm giảm khả năng đổi mới và cạnh tranh. Đồng thời, doanh thu giảm cũng buộc các doanh nghiệp sa thải khoảng 15.000-40.000 việc làm lao động tay nghề cao trong ngành công nghiệp sản xuất chip, theo ước tính của BCG. Rõ ràng, đây không phải thời điểm thị trường lao động Mỹ chịu đựng được thêm những cú sốc. Chỉ trong 2 tháng qua, Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo 36,5 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang FED thậm chí dự tính nền kinh tế Mỹ có thể mất 47 triệu việc làm trong năm nay, tương đương tỷ lệ thất nghiệp 32% cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Trong dài hạn, các quy định siết chặt của Mỹ sẽ buộc các nhà sản xuất chip toàn cầu đưa ra lựa chọn: cắt đứt mối quan hệ kinh doanh với công ty công nghệ Trung Quốc hoặc ngừng sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ. Lựa chọn 1 có vẻ khó khăn, bởi điều đó đồng nghĩa với việc mất đi một thị trường béo bở giúp kiếm về lợi nhuận khổng lồ. Do đó, các nhà sản xuất có xu hướng tiến tới phương án 2, tạo ra một chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn hoàn toàn tách rời với Mỹ, qua đó phá vỡ hệ sinh thái công nghệ toàn cầu và đưa Mỹ khỏi vị thế nhà lãnh đạo ngành công nghiệp cho thế giới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục