Kinh tế Trung Quốc thời chính quyền Tập Cận Bình có phải "mối đe dọa"?

23/09/2019 06:43 GMT+7
Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường tiêu thụ mang về nguồn thu khổng lồ cho các công ty trên toàn thế giới. Nhưng các chính sách kinh tế Trung Quốc thời chính quyền Tập Cận Bình luôn phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của quốc tế.

Người Châu Âu coi kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa lợi ích

Nền kinh tế Trung Quốc có phải "mối đe dọa"? - Ảnh 1.

Đa số công dân Châu Âu e ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ đe dọa lợi ích kinh tế EU

Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu về Quan hệ quốc tế ECFR hôm 19/9 đã công bố bản báo cáo khảo sát cho thấy khoảng 57% công dân Châu Âu cảm thấy nền kinh tế khu vực đồng EUR nên được bảo vệ khỏi các hoạt động cạnh tranh thương mại thiếu lành mạnh của Trung Quốc.

ECFR đã thực hiện khảo sát trên 60.000 công dân Châu Âu từ 14 quốc gia thành viên EU để thăm dò ý kiến người dân với các chính sách đối ngoại của EU. Theo đó, chưa đến 20% công dân ở các quốc gia cảm thấy lợi ích kinh tế của họ được đảm bảo trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ.

Tại Pháp và Ý, có tới gần 75% số người được hỏi cảm thấy Chính phủ của họ đã không bảo vệ tốt lợi ích kinh tế quốc gia khỏi các chính sách kinh tế và thương mại không lành mạnh của Trung Quốc. Con số này tại Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp là 60%.

Hơn 30% công dân Pháp, Ý, Tây Ban Nha đề nghị EU hành động nhiều hơn để giảm thiểu tác động của sự bành trướng kinh tế Trung Quốc đến nền kinh tế khu vực.

"Công dân Châu Âu đã đi trước các chính trị gia khu vực trong việc ý thức sự cần thiết duy trì một chính sách cứng rắn hơn trong bối cảnh các siêu cường quốc như Trung Quốc và những "hành vi gây hấn" của nó có thể nhấn chìm nền kinh tế Châu Âu" - trích lời Susi Dennison, thành viên cấp cao của ECFR.

Vì sao kinh tế Trung Quốc bị nhiều quốc gia coi là mối đe dọa?

Nền kinh tế Trung Quốc có phải "mối đe dọa"? - Ảnh 2.

Chính quyền Tập Cận Bình tham vọng đưa kinh tế Trung Quốc trở thành siêu cường quốc tế trên nhiều lĩnh vực

Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường tiêu thụ mang về nguồn thu khổng lồ cho các công ty trên toàn thế giới. Nhưng chính sách kinh tế Trung Quốc thì luôn phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của quốc tế. 

Lâu nay, các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc luôn phải đối mặt với thủ tục hành chính phức tạp và thiếu minh bạch, đặc biệt là việc cấp phép hay đăng ký kinh doanh. Sự bảo trợ của chính quyền Tập Cận Bình dành cho các doanh nghiệp Nhà nước bị lên án là làm méo mó thị trường và gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. 

Theo nguồn tin từ tờ Financial Times, chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã chi tới 22 tỷ USD trợ cấp cho các tập đoàn trong nước. Đó là chưa kể tới hoạt động chuyển giao công nghệ bị xem như một điều kiện bắt buộc với các công ty muốn xâm nhập thị trường tỷ dân này - một trong những vấn đề cốt lõi tạo nên xung đột thương mại Mỹ Trung.

Thương chiến Mỹ Trung kéo dài hơn 1 năm nay bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là những chính sách thương mại thiếu lành mạnh từ Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump kể từ khi kế nhiệm ông Obama đã liên tục dùng các công cụ như thuế quan để dồn Trung Quốc đến một thỏa thuận dừng mọi hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, thay đổi các thể chế pháp luật liên quan đến ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thỏa hiệp với sự cứng rắn từ Washington.

Trong một tuyên bố chung hồi tháng 5/2019, Ủy ban Châu Âu EC, Mỹ và Nhật Bản đã đồng thời lên án các quốc gia đang tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh bằng cách trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước, biến Doanh nghiệp nhà nước thành những gã khổng lồ và sử dụng chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc gây thiệt hại nặng nề cho Doanh nghiệp nước ngoài. Dù không trực tiếp nêu tên quốc gia nào nhưng tuyên bố chung này được cho là nhắm trực tiếp đến các chính sách thương mại mà Bắc Kinh đang thực hiện.

Phản ứng trước tuyên bố chung này, chính quyền Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đang nỗ lực tạo nên môi trường giao dịch có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc thực hiện toàn diện các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tăng cường hội nhập trên quy mô rộng lớn.

Hội đồng Châu Âu lên tiếng

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của EU tại khu vực Châu Á, bên cạnh 13 quốc gia khác bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vào năm 2015, Ủy ban Châu Âu đã ký với Trung Quốc một hiệp định tăng cường hợp tác quốc gia liên quan đến sáp nhập công ty xuyên biên giới. Tuy nhiên giờ đây, EU đã đề xuất điều chỉnh các quy tắc thương mại với Trung Quốc để tạo nên một sân chơi bình đẳng.

Một báo cáo hồi tháng 3/2019 của Ủy ban Châu Âu đã nhìn nhận Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh kinh tế, đồng thời nêu rõ tham vọng cường quốc toàn cầu của đất nước tỷ dân. Ủy ban cũng thúc giục các quốc gia thành viên EU làm việc cùng nhau để có tiếng nói chung trong việc hợp tác thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một cách toàn diện, linh hoạt và thực dụng nhằm bảo vệ lợi ích thương mại khu vực đồng tiền chung.

Tháng 4/2019, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố hợp tác thương mại Trung Quốc EU cần tìm kiếm một sự cân bằng hơn nữa. "Châu Âu muốn tăng cường giao dịch thương mại và đầu tư vào Trung Quốc, nhưng các nhà đầu tư cần những quy tắc, thể chế pháp luật cho phép họ làm vậy". Vấn đề lớn nhất của thương mại Trung Quốc được bà Margrethe Vestager - giám đốc chống độc quyền của EU chỉ ra là "mức độ trợ cấp, bảo hộ của Nhà nước đang hạn chế các nguồn đầu tư quốc tế".

Thùy Dung
Cùng chuyên mục