Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản chi 17,6 tỷ USD mua nông sản Việt Nam, giá 4 mặt hàng này tăng vọt

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 08/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 8 tháng năm 2021 đạt 32,1 tỷ USD, trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng lớn, nhiều loại nông sản tăng giá

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%.

Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,… 

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản chi 17,6 tỷ USD mua nông sản Việt Nam, giá 4 mặt hàng này tăng vọt - Ảnh 1.

8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu hạt điều tăng 19,2% về sản lượng và 15,1% về giá trị. Ảnh: Công ty Hoàng Sơn 1.

Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 23,3% về khối lượng, tăng 61,4% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 19,2% về sản lượng và 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,4% về sản lượng và 28,4% về giá trị. 

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,3% nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 666 triệu USD, tăng 50,2%).

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân 8 tháng nhiều mặt hàng tăng, như hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/tấn, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su xuất khẩu đạt 1.670,7 USD/tấn, tăng 30,9%; giá gạo xuất khẩu đạt 535,3 USD/tấn, tăng 9,4%; giá sắn đạt 256 USD/tấn, tăng 13,2%...

Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,5% thị phần, châu Mỹ 31,3%. 

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71,0% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD .

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021. 

Giúp doanh nghiệp nắm rõ những thay đổi ở thị trường Trung Quốc

Để đạt được mục tiêu đề ra trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, những tháng tiếp theo, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. 

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản chi 17,6 tỷ USD mua nông sản Việt Nam, giá 4 mặt hàng này tăng vọt - Ảnh 2.

8 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm có sự tăng trưởng mạnh nhờ thị trường Mỹ, Nhật Bản mua nhiều. Ảnh: Thanh Cường.

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác 3430 (phía Bắc), Tổ công tác 970 (phía Nam); xây dựng kênh kết nối, cung ứng nông sản các địa phương và vùng miền, đặc biệt phục vụ công tác cung ứng nông sản thực phẩm tới các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15;

Phối hợp, hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước, tăng cường giao dịch điện tử các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch (sầu riêng, chanh leo, thanh long) thông qua chuỗi siêu thị lớn, sàn giao dịch điện tử, đơn vị vận tải, viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), và các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet…);

Thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.

 Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… nông sản đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc,… 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và cơ quan thương vụ tại nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

 Dự thảo văn bản hướng dẫn thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khi xuất sang Trung Quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem