Năm 2050, Việt Nam đưa phát thải các - bon về 0
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay.
"Trải qua hơn một nửa thế kỷ, tính từ Hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về môi trường và con người được tổ chức tại Thủ đô Stockholm của Thụy Điển với khẩu hiệu "Only One Earth" (Chỉ có một Trái Đất), rất nhiều hội nghị đã diễn ra nhằm giải quyết vấn đề môi trường, bảo vệ sự sống của trái đất", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, năm 1995, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Viết tắt là COP) diễn ra lần đầu tiên, đến năm 2022 là COP27. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu là vấn đề rất cấp thiết và cam go, cần sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tại COP26 (2021), Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế nhờ những cam kết mạnh mẽ (đưa phát thải các-bon về 0 vào năm 2050). Ngay sau đó, Chính phủ lập tức thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các để án và kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng tại COP26.
Diễn đàn lần này sẽ nhìn lại quá trình từ cam kết đến hành động của Chính phủ Việt Nam từ sau COP26. Nhìn lại chúng ta đã làm được những gì, và cần phải làm những gì tiếp theo để hiện thực hóa cam kết tại COP26 một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất"
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường khẳng định: "Việt Nam cam kết đưa phát thải các bon về 0 vào năm 2050 là điều không cần phải bàn cãi, việc chúng ta cần làm là đưa ra được chiến lược đúng đắn để thực hiện cam kết này".
"Khi thực hiện cam kết chúng ta cần phải nhìn ra Việt Nam đang có những thuận lợi và khó khăn thách thức gì? Để từ đó tận dụng, phát huy tối đa thế mạnh mà chúng ta đang có, đồng thời đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn, hướng tới mục tiêu cuối cùng", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chia sẻ.
"Một vấn đề quan trọng cần tìm ra lời giải chính là việc chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch như thế nào, lộ trình ra sao? Làm sao để doanh nghiệp có thể thích nghi với việc chuyển đổi đó?... Rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng, nếu không Việt Nam sẽ bị "chậm chân" và đánh mất cơ hội tiếp cận với nguồn lực từ bên ngoài", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh lưu ý.
Dưới góc nhìn từ quốc tế, TS. Đỗ Nam Thắng (Đại học Quốc gia Úc) cho biết, cam kết của Việt Nam tại COP26 đã để lại dấu ấn quan trọng trong cộng đồng bạn bè quốc tế.
Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu năng lượng luôn ở mức cao và liên tục tăng, vì thế cam kết tại COP26 thể hiện sự quyết tâm rất cao của Đảng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; thể hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng quốc tế.
"Cam kết của Việt Nam tại COP26 được các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao, và coi là điểm sáng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu", TS. Đỗ Nam Thắng nói về vấn đề biển đối khí hậu.
TS. Đỗ Nam Thắng cho hay, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và tại Úc, theo tôi lộ trình giảm phát thải các-bon gồm có 4 bước: Một là, tăng cường công tác tiết kiệm năng lượng; hai là, chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; ba là, điện hóa các quá trình sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt; bốn là, tăng hấp thụ các-bon và khí nhà kính khác bằng cách mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là hệ sinh thái biển.
Với hơn 20 năm làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Đỗ Nam Thắng lưu ý, để đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050 thì sự hợp tác giữa các bên liên quan là hết sức quan trọng. Chính phủ ban hành chính sách và tạo hành lang pháp lý thuận lợi, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của cộng đồng và các tổ chức quốc tế, là những yếu tố mang tính then chốt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt được mức phát thải bằng 0.
Ngay sau COP26, Việt Nam lập tức có hàng loạt các hành động, bước đi mạnh mẽ để hiện thực những cam kết đó. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 được thành lập do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình đã được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra triển khai như: Hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Đến năm 2022, tại COP27, một lần nữa, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ) làm trưởng đoàn đã tái khẳng định trước toàn thế giới về cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.