Năng lực sản xuất gạo của Việt Nam hiện tại ra sao?

25/03/2020 17:40 GMT+7
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, với năng lực sản xuất hiện tại, các mặt hàng của gạo Việt đang có cơ hội chiếm lĩnh thị phần của các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu lương thực thế giới tăng lên, mặt hàng gạo của Việt Nam có dấu hiệu tăng đột biến. Trong đó, Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%,… Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý nhà nước "tiền hậu bất nhất" trong quyết định dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo gây xôn xao dư luận, đặt câu hỏi về định hướng chiến lược cho hoạt động, năng lực sản xuất mặt hàng nông sản này?

Trao đổi với Etime, Ts. Đào Thế Anh đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sẽ có rất nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam, hoạt động sản xuất lúa gạo xuất khẩu "lột xác" thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo Ts. Đào Thế Anh, việc bán hàng một cách quá thuận lợi, dễ dàng theo đường tiểu ngạch khiến doanh nghiệp không chịu đổi mới, cải tiến chất lượng.

Năng lực sản xuất gạo của Việt Nam hiện tại ra sao? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

"Bối cảnh thị trường hiện tại vừa là cơ hội vừa là sức ép bắt buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là phải thiện chất lượng và đa dạng hoá thị trường. Thực ra, Việt Nam đã có chiến lược đa dạng hoá thị trường từ năm ngoái, tuy nhiên, không ngờ tới diễn biến của dịch Covid - 19. Ví dụ như đối với sản phẩm lúa gạo, cách đây một vài năm, các DN đã chuyển sang sử dụng các giống chất lượng cao và đa dạng hoá thị trường khác", Ts Đào Thế Anh cho hay.

Hiện tại, theo ông Thế Anh, ngành gạo Việt đã dần có chỗ đứng, không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều như trước, đã có những thị trường lớn khác như Philippines, châu Phi. Do đó, cần có định hướng sản xuất phù hợp, tận dụng cơ hội.

"Trong năm vừa rồi còn khó khăn về biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán. Ví dụ như Thái Lan bị hạn rất nặng khiến sản lượng lúa giảm sút. Do đó, nhiều đối tác truyền thống của Thái Lan như Philippines, châu Phi đã chuyển sang mua gạo Việt Nam. Trong năm qua, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo rất tích cực, đẩy sớm vụ Đông Xuân cuối năm 2019 lên sớm hơn một tháng nên cả bây giờ tránh được tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay có thể đạt năng suất lúa cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 7 tấn rưỡi trên một héc ta, thậm chí có chỗ cho sản lượng tới gần 8 tấn. Ví dụ như Đồng Tháp có sản lượng rất cao. Hiện tại, vẫn còn một số ít lúa vụ Đông Xuân trên đồng ruộng chờ thu hoạch bị tác động của hạn mặn nhưng diện tích nhỏ thôi", Ts Thế Anh nói.

Về hoạt động canh tác tại Đồng bằng sông Cửu Long thời điểm hiện tại, Ts Đào Thế Anh cho hay, thay vì xuống giống sớm như năm ngoái, trong thời gian bị hạn mặn như hiện tại, việc gieo sạ cần phải lùi lại.

"Gieo sạ ở thời điểm này khả năng "mất" rất cao, hiện tại, cần chậm lại đến hết tháng 4 sau đợt hạn mặn, khi bắt đầu có mưa mới có thể canh tác. Cần điều chỉnh thời vụ thích ứng với những biến động bất thường của khí hậu.

Bên cạnh việc thực hiện quản lý, điều chỉnh hoạt động canh tác phù hợp, việc đa dạng hóa thị trường sẽ giúp gạo Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, có thể phát triển kinh tế vùng", Ts. Đào Thế Anh nhận định.

Năng lực sản xuất gạo của Việt Nam hiện tại ra sao? - Ảnh 2.

Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu trong năm 2020

Theo đó, hiện tại, trong bối cảnh Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, thị trường gạo xuất khẩu sẽ càng mở rộng. Tuy nhiên, muốn có thị phần tại các thị trường khó tính như Châu Âu cần phải hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao.

"Ngoài châu Âu, một số thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đã nhập khẩu gạo của Việt Nam. Những thị trường đó sẽ là động lực để chúng ta phải đa dạng các chủng loại gạo. Ví dụ như Hàn Quốc đang đặt hàng loại gạo Japonica với đặc tính tròn, dẻo, phù hợp với các món gimbap, sushi,…

Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, loại gạo này không thuận lợi để sản xuất tại miền Nam mà thích hợp với miền núi phía Bắc. Trong năm vừa qua, Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại với Hàn Quốc hoặc CPTPP. Do đó, các nước như Hàn Quốc, Úc đang rất quan tâm tới mặt hàng này. Nếu có định hướng chiến lược đúng, gạo Japonica sẽ giúp thay đổi nền kinh tế khu vực miền núi phía Bắc", Ts Đào Thế Anh thông tin thêm.

Được biết, Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký ban hành ngày 25/3, Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc, sẽ kết thúc thu hoạch trước 30/6/2020.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 29,96 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,26 tiệu tấn thóc. Nhu cầu phục vụ chế biến ở mức 7,5 triệu tấn thóc, chăn nuôi: 3,4 triệu tấn, dùng làm giống, dự phòng 1 triệu tấn, dự trữ trong nước, 3,8 triệu tấn thóc.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục