Nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 kỳ vọng đạt 5,9%

07/09/2021 07:00 GMT+7
Các chuyên gia của Mirae Asset cho rằng, tiêu dùng sẽ kéo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong kịch bản xấu, dịch được kiểm soát và nền kinh tế hoạt động trở lại trong tháng 10, tăng trưởng GDP kì vọng đạt 5,1%

Báo cáo cập nhật từ các chuyên gia của Mirae Asset vừa phát hành đánh giá, khó khăn hơn bởi Covid-19 kéo dài hơn đối với nền kinh tế.

Nền kinh tế khó khăn hơn bởi Covid-19 kéo dài

Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội tháng 8 cho thấy, các chỉ số kinh tế phản ánh rõ nét sự ảnh hưởng tiêu cực của việc dịch bệnh kéo dài và mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố.

Tiêu điểm như, xuất khẩu bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kì, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp, doanh thu bán lẻ và tiêu dùng giảm tốc mạnh nhất trong lịch sử.

Trong tháng 8, xuất khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó nhập khẩu tăng 21,2% đạt 27,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD, đây là tháng nhập siêu thứ 5 liên tiếp.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, do tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của xuất khẩu, Việt Nam ghi nhận ước tính thâm hụt thương mại 3,71 tỷ USD.

Khó khăn hơn bởi Covid-19 kéo dài, động lực nào cho tăng trưởng kinh tế? - Ảnh 2.

Xuất khẩu bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kì.

Về đầu tư công, theo Mirae Asset dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở hầu hết các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong các tháng gần đây.

Thêm vào đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, làm ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 7/2021, giải ngân đạt 199 nghìn tỷ, tương đương 33,8% kế hoạch. Còn theo số liệu từ tổng cục thống kê, sau 8 tháng, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước mới chỉ đạt trên 51%.

Điểm tích cực trong bức tranh kinh tế - xã hội là vốn FDI đăng kí trong 8 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng hai chữ số và lạm phát vẫn duy trì ổn định.

Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ đâu?

Từ thực tiễn, Mirae Asset cho rằng, đà hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch, cũng như tình hình triển khai vaccine ở Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam. Bởi khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở các tâm dịch đạt tỷ lệ cao, nền kinh tế kì vọng sẽ dần mở cửa trở lại và các động lực tăng trưởng có thể dần lấy lại đà hồi phục khi dịch được khống chế.

Khó khăn hơn bởi Covid-19 kéo dài, động lực nào cho tăng trưởng kinh tế? - Ảnh 3.

Máy bay chở vaccine về Việt Nam. (Ảnh: TA)

Khi đó, các động lực cho tăng trưởng bao gồm: Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; Nhu cầu bên ngoài phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai vaccine toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021 và sang 2022.

Điểm tích cực là Chính phủ đã và đang tích cực thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong mùa dịch; lạm phát và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định.

Tuy nhiên đi cùng với đó, cũng có không ít rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Theo Mirae Asset các rủi ro có thể kể đến đó là, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu; Việc triển khai vaccine của Việt Nam chậm hơn kỳ vọng là rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục.

Do đó, tiêu dùng, nói chung, sẽ kéo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế - theo Mirae Asset.

Ước tính của Mirae Asset, GDP 2021 của Việt Nam trong kịch bản dịch được kiểm soát trong tháng 9, kì vọng đạt 5,9%.

Trong kịch bản xấu hơn, dịch được kiểm soát và nền kinh tế hoạt động trở lại trong tháng 10, tăng trưởng GDP kì vọng đạt 5,1%

Khó khăn hơn bởi Covid-19 kéo dài, động lực nào cho tăng trưởng kinh tế? - Ảnh 5.

Nhiều tổ chức cũng đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam xuống mức trong khoảng từ 3,5%−6,5%.

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức cũng đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam xuống mức trong khoảng từ 3,5%−6,5% trước tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp.

Tuy vậy, các tổ chức đều giữ mức hồi phục GDP trong năm 2022 trong khoảng 6,0%−7,5% khi kì vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và tỷ lệ tiêm vaccine trong 2022 đạt trên 70% ở Việt Nam.

H.Anh
Cùng chuyên mục