Nếu không có kênh trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã ‘quỵ’

16/08/2021 17:24 GMT+7
3-5 năm nữa, rủi ro cho thị trường tài chính Việt Nam chính là cục nợ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành thời gian qua. Đây là thứ chúng ta cần theo dõi hoàn thiện để tránh đổ vỡ.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) tại tọa đàm trực tuyến Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp "Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư" do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức.

Trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn quan trọng

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam tương đương khoảng 22,8% GDP; trong đó, trái phiếu doanh nghiệp có quy mô khoảng 5,2% GDP (theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB).

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng gần gấp đôi, khoảng 44,6% GDP; trong đó, trái phiếu doanh nghiệp khoảng 13,9% (do bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp không niêm yết phát hành).

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Thuân cho biết, so với dư nợ ngân hàng, giá trị trái phiếu phát hành đang lưu hành chiếm khoảng 12%, tuy nhiên nếu tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng hơn 30%.

Trong bối cảnh hiện nay, phát hành trái phiếu là cơ hội giúp cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nếu không có kênh trái phiếu sẽ trở thành gánh nặng lớn cho ngân hàng. 

Dù vai trò của kênh trái phiếu là không thể phủ nhận song theo ông Thuân, các doanh nghiệp phát hành hiện nay trên thị trường này "vàng thay lẫn lộn", tiềm ẩn rủi ro cho đối với các trái chủ.

"Vàng thau lẫn lộn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã "quỵ" nếu không có kênh trái phiếu" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) tại tọa đàm trực tuyến Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp "Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư" do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức. (Ảnh chụp màn hình).

Đề cập chi tiết hơn đối với rủi ro mua trái phiếu, theo ông Thuân, ở góc độ quản lý minh bạch thông tin thì hiện tại có 18-19 triệu thể nhân, người vay.

Trên hệ thống ngân hàng dư nợ 375 tỷ USD thì Ngân hàng Nhà nước nắm được, còn nửa triệu nhà đầu tư trái phiếu, đầu tư vào mấy nghìn doanh nghiệp phát hành toàn công ty dự án, ít doanh nghiệp có thương hiệu, hồ sơ tốt.

"Nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên thiếu minh bạch không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại không "tin ting" nữa không biết kêu ai, gặp vấn đề về an toàn hệ thống", ông Thuân nói.

Nếu nhìn nhận 3-5 năm nữa, thì rủi ro cho thị trường tài chính Việt Nam chính là cục nợ trái phiếu này. Đây là một thứ chúng ta cần theo dõi hoàn thiện để tránh đổ vỡ - theo vị chuyên gia này.

Nhìn vào câu chuyện của Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc, thậm chí người cao nhất của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình cũng tham gia xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu. Ông Thuân cho biết, dù quy mô thị trường trái phiếu hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhỏ nhưng với mức 15% quy mô dư nợ toàn hệ thống, xứng đáng được quan tâm bên cạnh vấn đề khác – theo ông Thuân, đặc biệt là khi Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp đứt gãy thị trường.

"Vàng thau lẫn lộn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã "quỵ" nếu không có kênh trái phiếu" - Ảnh 4.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 2013-6T2021. (Nguồn: TS. Cấn Văn Lực)

Tổ chức tín dụng không phải nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu

Còn theo Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, cho dù trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam thời gian qua cực kỳ "nhấp nhô" và không ổn định.

Biểu hiện, nếu năm 2016, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 203% thì đến năm 2017 quay đầu giảm tới -11%, sau đó bật tăng tới 227% vào năm 2018. Và kể từ đó tới nay, mức tăng trưởng của thị trường giảm dần xuống 103% năm 2019, 36% năm 2020 và đạt mức 18,3% tính tới tháng 6/2021.

Rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới 28% trái phiếu doanh nghiệp là không có tài sản đảm bảo.

TS. Cấn Văn Lực

Đáng chú ý, cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện có rất nhiều vấn đề. Tỷ trọng "gom" trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng giảm từ 35% năm 2018 xuống 17,4% năm 2019 và lên 25% trong nửa đầu năm 2021 (không có số liệu năm 2020).

Trong khi đó, tỷ trọng mua của các công ty chứng khoán luôn duy trì ở mức cao 39,4% năm 2018, 44,1% năm 2019 và 44,4% nửa đầu năm 2021.

"Số liệu này cho thấy các tổ chức tín dụng không "ôm" trái phiếu doanh nghiệp nhiều như chúng ta tưởng. Công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân mới là những nhà đầu tư chính trên thị trường", ông Lực nhận xét.

"Vàng thau lẫn lộn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã "quỵ" nếu không có kênh trái phiếu" - Ảnh 5.

Quy mô thị trường TP Việt Nam so với khu vực (%GDP) ( Nguồn: TS.Cấn Văn Lực)

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có bước tăng trưởng đột phá kể từ năm 2016 tới nay cho dù đã manh nha hình thành kể từ năm 1997 và bắt đầu phát triển từ năm 2005-2006.

Tính tới cuối năm 2017, quy mô thị trường tài chính Việt Nam đạt khoảng 314% GDP và tăng lên mức 348% GDP vào cuối tháng 6/2021; trong đó, vốn hóa thị trường trái phiếu cũng có nhiều cải thiện.

Dẫu vậy, quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ) vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng trong tương lai.

H.Anh
Cùng chuyên mục