Nga sẽ bán vaccine Covid-19 bằng nửa giá của Mỹ
Phát ngôn viên Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) hôm 24/11 cho hay: “Chi phí cho một liều vaccine Sputnik V của Nga trên thị trường quốc tế sẽ rẻ hơn 10 USD”. Dự kiến, dòng vaccine này có tổng cộng hai liều.
“Như vậy, vaccine Sputnik V sẽ rẻ hơn ít nhất hai lần so với các loại vaccine nước ngoài dựa trên công nghệ mRNA với tỷ lệ hiệu quả tương tự. Riêng đối với công dân Nga, mọi chi phí tiêm chủng vaccine Sputnik V đều miễn phí” - phía RDIF cho biết thêm.
Hồi tuần trước, loại vaccine Covid-19 do công ty Mỹ Pfizer phối hợp cùng đối tác Đức BioNTech phát triển đã công bố hiệu quả hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng cuối. Mức giá dự kiến cho dòng vaccine này là khoảng 20 USD/ liều. Trong khi đó, một dòng vaccine Covid-19 khác của Mỹ vừa cho thấy hiệu quả tích cực là Moderna cũng dự kiến mức giá khoảng 25-37 USD/ liều trên thị trường quốc tế, tùy theo số lượng đơn hàng.
Cũng như vaccine Sputnik V, cả hai dòng vaccine của Mỹ đều sử dụng công nghệ mRNA và đều cần hai liều tiêm chủng. Như vậy, so sánh về lợi thế giá, vaccine Sputnik V của Nga sẽ có giá rẻ hơn ít nhất 2 lần so với 2 dòng vaccine Covid-19 của Mỹ.
Riêng dòng vaccine Covid-19 do công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh và Đại học Oxford phát triển cũng tuyên bố hiệu quả cao trong điều trị virus SARS-CoV-2, nhưng vaccine này sử dụng phương pháp vector virus chứ không phải mRNA. Giá dự kiến cho vaccine AstraZeneca là 3-4 USD/ liều, tổng số 2 liều.
RDIF cũng cho hay họ đang hợp tác với các công ty dược phẩm hàng đầu ở nước ngoài để lên kế hoạch sản xuất đủ vaccine Sputnik V cho 500 triệu người mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021. Nghĩa là Nga tham vọng sản xuất 1 tỷ liều vaccine trong năm tới để cung cấp đủ 2 liều vaccine cho mỗi người.
Cùng với Sputnik V, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech cũng dự kiến sản xuất khoảng 1,3 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, trong khi Moderna dự kiến năng lực sản xuất đạt 500 triệu đến 1 tỷ liều trong cùng năm. Riêng AstraZeneca tham vọng sản xuất với công suất lên tới 3 tỷ liều trong năm sau.
Trước đó, dòng vaccine Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga từng gây ra nỗi hoài nghi lớn của cộng đồng khoa học quốc tế vì nó được cấp phép sớm nhất nhưng không công bố bất kỳ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng nào. Cho đến hôm 24/11, Nga đã chia sẻ các phân tích tạm thời về kết quả giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thử nghiệm, trong đó cho thấy vaccine Sputnik V có hiệu quả 91,4% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus sau 28 ngày tiêm. Hiệu quả có thể lên tới hơn 95% sau 42 ngày. Chỉ có 39 trường hợp nhiêm Covid-19 được ghi nhận trên tổng số 18.794 tình nguyện viên tham gia tiêm vaccine Sputnik V hoặc giả dược. Dự kiến dữ liệu phân tích hoàn chỉnh sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.