3 loại vaccine Covid-19 đã sẵn sàng, kinh tế toàn cầu vẫn khó thoát suy thoái?

24/11/2020 15:44 GMT+7
Dù vaccine Covid-19 nhiều khả năng sẽ tiếp cận công chúng ngay trong tháng 12 này, nhiều nhà quan sát vẫn quan ngại nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung sẽ khó bước ra khỏi suy thoái trong năm 2021.
Có vaccine Covid-19, kinh tế toàn cầu vẫn khó thoát suy thoái trong năm 2021? - Ảnh 1.

Có vaccine Covid-19, kinh tế toàn cầu vẫn khó thoát suy thoái trong năm 2021?

Ngay cả khi 3 loại vaccine Covid-19 của Pfizer, Moderna và đại học Oxford được cấp phép khẩn cấp trong tháng 12, việc phân phối rộng rãi đến công chúng sẽ mất nhiều tháng. Trong khi đó, làn sóng dịch bệnh tiếp theo vẫn đang bùng phát tại nhiều quốc gia với số ca nhiễm mới tăng vọt. Nhiều bang nước Mỹ đã phải ban hành các hạn chế mới để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Tại Châu Âu, một số quốc gia như Anh, Hy Lạp vừa qua cũng buộc phải trở lại thời kỳ đóng cửa. Nhìn chung, cái giá không thể tránh khỏi của các biện pháp kiểm dịch như vậy là hoạt động kinh tế trì trệ hơn.

Chính sách tiền tệ không đủ hồi sinh nền kinh tế

Các nhà kinh tế phố Wall hiện quan ngại Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản sẽ sớm chứng kiến kinh tế giảm tốc trong quý IV/2020 hoặc quý I/2021, tức chỉ vài tháng sau khi vừa thoát khỏi lần suy thoái giữa năm nay. Những tín hiệu như vậy đang gây sức ép lên quyết sách của các nhà hoạch định chính sách thế giới, khiến các ngân hàng Trung Ương bắt đầu lo lắng về sự biến động trên thị trường tài chính. Các chính trị gia từ Mỹ đến Châu Âu cũng đang tìm kiếm một chính sách tài khóa lỏng lẻo hơn để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Hôm 23/11, Bộ trưởng Thương mại & Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho hay: “Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực về tiến độ phát triển vaccine Covid-19, nhưng đó không phải là giải pháp để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi như kỳ vọng của nhiều người. Việc sản xuất đủ số lượng vaccine cung cấp cho người dân, sau đó là phân phối và tiêm chủng cho lượng lớn dân số toàn cầu sẽ mất nhiều tháng nếu không muốn nói là nhiều năm”.

Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ lần nữa vào cuối năm nay, trong khi Cục Dự trữ Liên bang FED được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu để đưa lãi suất xuống thấp hơn nữa.

Cũng có những lo ngại rằng các ngân hàng Trung Ương đã hết dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng việc nới lỏng thêm cũng không giúp tạo động lực cho kinh tế hồi phục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF từng cảnh báo rằng các biện pháp hỗ trợ chưa từng có của chính phủ có thể gây ra mối đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính.

Chính sách tài khóa mắc kẹt

Cựu Chủ tịch FED Janet Yellen, người sắp được Tổng thống đắc cử của Mỹ - ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Tài chính mới đây cảnh báo: “Chúng ta phải có chính sách tài khóa thích hợp thay vì chỉ dựa vào (chính sách tiền tệ lỏng lẻo) của các ngân hàng Trung ương để đạt được mục tiêu tăng trưởng lành mạnh”.

Vấn đề cốt lõi ở đây là chính sách tài khóa ở cả Mỹ và Châu Âu đang mắc kẹt. Chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump hiện chưa thể thông qua gói kích thích tài khóa tiếp theo do bất đồng với Đảng Dân chủ. Nhiều khả năng phải chờ tới khi Tân Tổng thống Biden nhậm chức, gói kích thích này mới được khai thông. Trong khi đó tại Châu Âu, gói viện trợ 2 nghìn tỷ USD vẫn đang nằm trên giấy do những bất đồng từ các quốc gia trong khối.

Gilles Moec, nhà kinh tế trưởng tại AXA SA nhận định: “Trong khi các ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nhấn mạnh vai trò chủ lực của chính sách tài khóa trong việc đối phó với tác động kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19, thì các chính phủ lại gặp khó khăn trong việc đưa ra gói kích thích tiếp theo”.

Nhiều tín hiệu ảm đạm

Với nền kinh tế Mỹ, các ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt trong vài tuần qua đã khiến các nhà phân tích JPMorgan Chase buộc phải đưa ra dự báo suy giảm kinh tế trong quý tiếp theo do một số bang đã trở lại thời kỳ hạn chế kiểm dịch, giãn cách xã hội. Chủ tịch FED chi nhánh Dallas Robert Kaplan cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Chúng ta có thể trở lại mức tăng trưởng âm nếu làn sóng dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn”.

Tại Châu Âu, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một cuộc suy thoái kép đang trên đàn diễn ra, khi các khảo sát gần đây cho thấy chỉ số quản lý thu mua PMI giảm mạnh.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản cũng chứng kiến PMI sản xuất và dịch vụ suy yếu trong tháng 11, làm gia tăng quan ngại về tốc độ phục hồi kinh tế.




NTTD
Cùng chuyên mục