"Ngấm đòn" lệnh cấm vận từ thời Trump, Huawei báo cáo doanh thu tụt hơn 30%

06/08/2021 16:45 GMT+7
Huawei vừa báo cáo doanh thu trong nửa đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc “ngấm đòn” sau khi lọt vào danh sách đen của Mỹ.

Hôm 6/8, Huawei công bố báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu đạt 320,4 tỷ nhân dân tệ (49,6 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021. Con số này giảm gần 30% so với mức doanh thu 454 tỷ nhân dân tệ mà Huawei ghi nhận cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp tăng 0,6% lên 9,8%, phản ánh sự cải thiện hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh của Huawei được chia thành 3 mảng rõ rệt: viễn thông, doanh nghiệp và kinh doanh tiêu dùng.

Theo đó, doanh thu mảng kinh doanh tiêu dùng giảm mạnh từ mức 255,8 tỷ nhân dân tệ đạt được hồi năm ngoái xuống chỉ còn 135,7 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là do sự sụt giảm doanh thu mảng kinh doanh dòng smartphone Honor bắt đầu giảm mạnh kể từ cuối năm 2020. 

"Ngấm đòn" lệnh cấm vận từ thời Trump, Huawei báo cáo doanh thu tụt hơn 30% - Ảnh 1.

Bị cấm làm ăn với các đối tác Mỹ bao gồm cả Google, Huawei buộc phải tự thiết kế hệ điều hành HarmonyOS cho các dòng smartphone của hãng (Ảnh: Getty Images)

Trong mảng kinh doanh viễn thông, 5G và các cơ sở hạ tầng mạng khác, doanh thu cũng giảm mạnh từ 159,6 tỷ nhân dân tệ xuống còn 136,9 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2021. Nguyên nhân chính là do tại thị trường trong nước, Huawei bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc triển khai mạng viễn thông 5G dù rằng hoạt động kinh doanh viễn thông vẫn ổn định tại các thị trường quốc tế. Gã khổng lồ viễn thông kỳ vọng mảng này tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng tới nhờ các nỗ lực tăng tốc phủ sóng 5G từ hàng loạt nhà mạng trong nước bao gồm China Mobile, China Broadcasting Network, China Telecom và China Unicom.

Trong mảng kinh doanh doanh nghiệp, Huawei báo cáo doanh thu tăng từ mức 36,3 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2020 lên 42,9 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, thị trường quốc tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn thị trường trong nước.

Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei khẳng định trong một tuyên bố sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 rằng mục tiêu của Huawei là “tồn tại và tồn tại bền vững”. Ông này cho biết thêm: “Bất chấp sự sụt giảm doanh thu trong mảng kinh doanh tiêu dùng do các tác nhân bên ngoài gây ra, chúng tôi lạc quan rằng mảng kinh doanh viễn thông và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định”.

“Đây là khoảng thời gian đầy thử thách và tất cả nhân viên của chúng tôi đã nỗ lực làm việc với quyết tâm cùng sức mạnh phi thường. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới từng người trong số họ vì những nỗ lực đáng kinh ngạc ấy” - Chủ tịch Huawei nhấn mạnh.

Hồi đầu tháng 4, ông Eric Xu cũng cho hay Huawei đang tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) như một phần nỗ lực duy trì sự tồn tại doanh nghiệp cũng như giải quyết thách thức về nguồn cung do các lệnh hạn chế thương mại của Mỹ gây ra.

Vào tháng 5/2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei cùng hàng loạt chi nhánh của nó trên toàn cầu vào danh sách đen kèm theo lệnh hạn chế thương mại. Điều này buộc các đối tác ở Mỹ ngừng cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Huawei, qua đó chặn đứng chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng của hãng. Huawei sau đó đã buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp ngoài Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng chỉ ít lâu sau, Washington tiếp tục bịt các lỗ hổng trong lệnh hạn chế thương mại bằng một sắc lệnh tiếp theo buộc mọi nhà cung cấp nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei. Sắc lệnh này gần như chặn đứng hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu của Huawei.

Đến thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách mạnh tay với Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Huawei. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng cho biết không có lý do gì để loại bỏ các công ty Trung Quốc như Huawei ra khỏi danh sách đen thương mại. Chính Huawei cũng từng dự đoán rằng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ là một "chiến dịch dài hạn".

Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asian Review, Huawei đã và đang săn lùng vô số nhân tài, từ những kỹ sư chip ở Munich, nhà phát triển phần mềm ở Istanbul cho đến chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Canada. Đó là chưa kể tới đội ngũ nhân tài hùng hậu hiện tại ở các cơ sở trong và ngoài nước của hãng. Với việc tăng cường tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có thể thấy Huawei đang quyết tâm tìm ra một con đường mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh tập đoàn này bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.


NTTD
Cùng chuyên mục