Ngân hàng nào sẽ được ưu tiên “nới” room tín dụng năm 2020?
Ưu tiên khi đạt chuẩn Basel II
Mới đây, BIDV đã đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cùng với hàng loạt các chuẩn mực Basel II, được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng quy định tại Thông tư 41/2017/TT-NHNN kể từ ngày 01/12/2019. Như vậy, BIDV là ngân hàng thứ 18 được chấp thuận đạt chuẩn Basel II.
Các nhà băng còn lại đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank và ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 ngân hàng lớn là VietinBank và Agribank vẫn đứng ngoài cuộc đua này và chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.
Trong cuộc họp mới đây, NHNN khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm 2020 duy trì ở mức khoảng 14%. Theo đó, NHNN sẽ áp dụng chính sách xem xét cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng và những ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn. Ngoài ra, các ngân hàng tham gia các dự án mang tính chất đặc thù của Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính… như phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng đen… dự kiến cũng sẽ được ưu tiên trong việc cấp room tín dụng.
TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết sở dĩ các ngân hàng đạt chuẩn Basel II được xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn là do bản thân các ngân hàng này đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao nhiều khả năng sẽ bị hạn chế room tín dụng. Các ngân hàng còn lại tăng trưởng tín dụng dao động từ mức 10-14%.
Theo thống kê trong năm 2019, NHNN mới chấp thuận tăng hạn mức tín dụng cho ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%. Nhiều ngân hàng khác đã hoàn tất chuẩn Basel II nhưng đến nay chưa có thông tin được "nới" room tín dụng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, các ngân hàng có xu hướng kiểm soát tín dụng, hướng đến tăng trưởng bền vững. Cơ cấu cho vay của ngành ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và xây dựng (tăng 9,1%), công nghiệp và xây dựng (tăng 29,5%), thương mại (tăng 21,9%)… Đây là các lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ.
Sẽ có thêm 5% room tín dụng
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng, có hiệu lực từ 1/1/2020. Có một số điểm thay đổi chính trong Thông tư 22/2019/TT-NHNN là lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện tại xuống 30% và tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản tiêu dùng, từ mức 50% hiện tại lên đến mức trần tối đa 150%. Ngoài ra, Thông tư này cũng điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) ở mức 85% với thời gian chuyển tiếp là 2 năm (trước ngày 1/1/2022).
Như vậy với quy định mới tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại Nhà nước dù bị giảm mức trần LDR từ 90% xuống 85% nhưng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, do cũng chưa sử dụng hết room tín dụng. Còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, đây sẽ là cơ hội lớn để có thể mở rộng thêm tín dụng ra nền kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, tính đến tháng 10/2019, tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế ước đạt gần 7,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng mức tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần đang chiếm khoảng 50%. Khối này sẽ có thêm khoảng 5% room tín dụng, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế khi Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực.