Chuyên gia: Ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến "một mất, một còn"

H.Anh Thứ ba, ngày 02/01/2024 07:00 AM (GMT+7)
Tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng cho vay vốn xanh không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió", đặc biệt với bối cảnh hệ thống hành lang pháp lý còn chưa hoàn chỉnh.
Bình luận 0

LTS: Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Kể từ sau COP 26 ở Glasgow, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế. Tháng 12 vừa qua tại Hội nghị COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và đã đưa ra chương trình cụ thể của nước ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, các lĩnh vực, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đã có những kết quả bước đầu được ghi nhận, song những hạn chế cũng lộ diện. Cùng Dân Việt đi tìm lời giải cho bài toán "xanh" của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Ngân hàng nhập cuộc, vốn xanh vẫn còn khiêm tốn

Dự án được đánh giá có hiệu quả, đồng thời đảm bảo các điều kiện về môi trường, ngân hàng sẵn sàng đầu tư. Đó là chia sẻ của bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank khi đề cập tới việc tài trợ các dự án xanh.

Chẳng hạn, như dự án đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu (nhà máy băm dăm) và nhà máy chế biến năng lượng gỗ xuất khẩu Bảo Châu (nhà máy viên nén) đang được Agribank cấp hạn mức lên tới 100 tỷ đồng cũng nhờ đảm bảo được các tiêu chí kể trên.

Chia sẻ về nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, bà Bình cho biết, từ giai đoạn 2018 đến nay, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 380%/năm. Đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ.

Chuyên gia: Ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến "một mất, một còn"- Ảnh 1.

Cán bộ Agribank thăm dự án điện gió được ngân hàng tài trợ vốn.

Tại SHB, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối Ngân hàng Doanh nghiệp cho biết, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB chiếm gần 10% trên tổng dư nợ. Từ năm 2018 đến nay dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.

"Với tín dụng xanh, để phát triển được các chương trình ưu đãi là quan trọng. Vì vậy, chúng tôi dùng rất nhiều nguồn lực tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như các gói ưu đãi với lãi suất vay giảm từ 1 – 1,5% so với các khoản vay thông thường, áp dụng cho tín dụng xanh", ông Đinh Ngọc Dũng chia sẻ.

Thực tế, thời gian qua đã có không ít nhà băng tiên phong thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh. Dẫn chứng là, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2021, 2022 đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài, phần lớn cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường cũng như giảm phác thải. Mới đây, tại COP28 nhóm đối tác quốc tế cũng đã thông qua kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến "một mất một còn"

Mặc dù tín dụng xanh ngày càng nhận được sự quan tâm, nhưng vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn, cụ thể dư nợ cấp tín dụng xanh mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Nhấn mạnh, đây còn là lĩnh vực khá mới và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, các ngân hàng (trong đó có cả BIDV), ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc BIDV cho biết, về khung pháp lý đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành.

Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng.

"Hoàn thiện các khung khổ chính sách, hướng dẫn cho hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng xanh, bền vững. Trước mắt, cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh (taxonomy). Bên cạnh đó, là định hướng phát triển cụ thể cho từng ngành/nhóm ngành (ưu tiên, nhạy cảm với môi trường - xã hội) đồng thời xem xét, nghiên cứu quy định về phân loại các dự án, khoản vay có tính chất xã hội, bền vững (liên kết giữa môi trường và xã hội) làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện trong hệ thống", ông Lâm nêu đề xuất.

Bổ sung thêm, Phó Tổng Giám đốc Agribank chỉ ra rằng, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường;...

Chuyên gia: Ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến "một mất, một còn"- Ảnh 2.

Một dây chuyển sản xuất tại CTCP Sợi Thế Kỷ (Nguồn: STK)

Bà Trần Thị Ngọc Thúy, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam thì lưu ý, để ngân hàng xác định đâu là dự án xanh, đâu là dự án bền vững hay là doanh nghiệp nào là doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp nào là doanh nghiệp bền vững để tài trợ dự án còn là câu chuyện khó.

"Bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như các quy định khác của Chính phủ. Nếu ngân hàng không cẩn trọng họ sẽ chịu rủi ro rất cao. Để cho các ngân hàng có thể triển khai được thì Chính phủ nên có những quy định liên quan đến danh mục xanh và ngân hàng cũng nên có khung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu có trách nhiệm để ngân hàng có thể tự lập ra khung quản trị rủi ro của họ về lĩnh vực này", bà Thúy nhấn mạnh.

Cùng với đó, các dự án xanh cần thời gian đầu tư dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong cân đối nguồn vốn để cho vay.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng gợi mở, để thúc đẩy tín dụng xanh, cùng với hoàn thiện khung pháp lý, rất cần vai trò tiên phong của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh. Khi đó sẽ tạo nguồn tài chính xanh trên thị trường trái phiếu, qua đó kích thích toàn bộ nền kinh tế.

Cũng theo ông Hùng, trước mắt, các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam nên là những ngành có tác dụng tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận. Cụ thể, thứ nhất là ngành năng lượng tái tạo; thứ hai là ngành nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (cụ thể là các ngành xi măng, sắt thép, xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng…); thứ ba là ngành nông nghiệp xanh, du lịch xanh; thứ tư là giao thông đô thị; thứ năm là ngành tiêu dùng bền vững.

TS Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế gợi ý, ngân hàng cần có thêm nhiều gói vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp, dự án xanh. Đặc biệt, ông Nghĩa nhấn mạnh, các ngân hàng nên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để giảm phác thải khí nhà kính.

"Các doanh nghiệp phải đổi mới, ngân hàng phải hỗ trợ họ, vì đây là cuộc chiến một mất một còn không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với ngân hàng, với cả quốc gia", ông Nghĩa nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam kiến nghị, Việt Nam phải nội địa hóa các luật quốc tế. Tức là các quy định của Việt Nam về "xanh" hóa phải đồng điệu nhưng không "bê nguyên". "Nếu bê nguyên các quy định của các tổ chức quốc tế vào Việt Nam để xét duyệt cho vay thì rất khó", ông Huân nói.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tham gia giải ngân dự án xanh.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem