Ngân hàng Singapore nới lỏng tiền tệ chưa từng có khi nền kinh tế cận kề suy thoái

30/03/2020 13:20 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Singapore hôm 30/3 tuyên bố các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để xoa dịu tác động của đại dịch Covid-19 khi nền kinh tế nước này đối diện suy thoái.
Ngân hàng Singapore hạ lãi suất về 0 khi nền kinh tế cận kề suy thoái  - Ảnh 1.

Nền kinh tế Singapore được dự đoán đang bước vào suy thoái khi các chỉ số kinh tế lần lượt giảm tốc

Trong khi các ngân hàng Trung Ương toàn cầu đang hướng tới cắt giảm lãi suất và các biện pháp nới lỏng định lượng QE để kích thích nền kinh tế, ngân hàng Trung Ương Singapore mới đây cũng tuyên bố sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái thay thế cho cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, biện pháp này ám chỉ Ngân hàng trung ương Singapore cho phép tỷ giá hối đoái yếu hơn tỷ giá hiện hành để giảm rủi ro giảm phát nền kinh tế.

Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ Singapore hôm 25/3 công bố gói kích thích trị giá 33 tỷ USD. Là nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại - hội nhập quốc tế, Singapore được xem là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch Covid-19, khi dịch bệnh khiến hàng loạt chính phủ phải phong tỏa quốc gia, lượng khách du lịch giảm mạnh và chuỗi cung ứng toàn cầu thì ngừng trệ.

Tuần trước, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay từ mức -0,5 đến 1,5% xuống mức -1 đến -4% sau khi dịch bệnh gây ra những thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế.

"Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế Singapore nói riêng và toàn cầu nói chung, do sự kết hợp nhiều yếu tố như phong tỏa quốc gia làm giao thông trì trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu giảm đột ngột” - Ngân hàng Trung Ương Singapore cho biết trong một tuyên bố chính sách đi kèm lệnh cắt giảm lãi suất hôm 30/3.

Một trong những nguyên nhân chính đằng sau sự điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng như vậy là áp lực giảm phát của nền kinh tế khu vực. Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng của Singapore chỉ tăng 0,3%, giảm mạnh so với mức 0,8% hồi tháng 1 do giá vé máy bay và chi tiêu cho các hoạt động giải trí giảm mạnh. Tỷ lệ lạm phát lõi không bao gồm nhà ở và xe hơi giảm 0,1%, mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ qua. 

Singapore phụ thuộc nhiều vào hàng tiêu dùng nhập khẩu, và chính sách đồng nội tệ yếu thường thúc đẩy lạm phát trong nước. Nhưng năm nay, chính quyền dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống mức -1 đến 0%. Ở những quốc gia khác tại Châu Á, các chỉ số giá tiêu dùng CPI mới nhất cũng chỉ ra mức lạm phát thấp hoặc thậm chí là giảm phát khi đại dịch hoành hành. Giá xăng dầu đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, giá dầu thô thậm chí có thời điểm xuống dưới 20 USD/ thùng. 

Tại Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 0,4% trong tháng 2, giảm 0,3% so với mức tăng CPI 0,7% hồi tháng 1. Giá các gói tour du lịch nước ngoài giảm mạnh 10% trong khi giá phòng khách sạn giảm trung bình 3%, qua đó xóa nhòa mức tăng giá lương thực và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Tăng trưởng CPI của Hàn Quốc cũng giảm từ mức 1,5% hồi tháng 1 xuống 1,1% trong tháng 2. Tăng trưởng CPI của Thái Lan giảm từ 1,1% xuống 0,7% trong tháng 2, trong khi tăng trưởng CPI của Malaysia cũng giảm xuống 1,3%.

Ngay cả ở những nền kinh tế có lạm phát tương đối cao song song với tăng trưởng kinh tế như Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận thấy dấu hiệu của giảm phát. Tăng trưởng CPI của Việt Nam giảm từ mức 6,4% hồi tháng 1 xuống 5,4% trong tháng 2. 

Theo các nhà phân tích, rủi ro giảm phát có thể đưa các nền kinh tế Châu Á vào vòng xoáy tiêu cực, khi lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn ảnh hưởng đến mức lương người lao động giảm đi, qua đó làm tổn thương tâm lý tiêu dùng. Không chỉ tiền lương, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang đà tăng lên khi các doanh nghiệp cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất để giữ cho doanh nghiệp không phá sản vì đại dịch. 

Selena Ling, một nhà kinh tế của ngân hàng OCBC nhận định xu hướng giảm phát có thể sẽ tồn tại trong nền kinh tế do các biện pháp mạnh mẽ của chính phủ đối phó với dịch Covid-19 cũng như xu hướng giảm giá dầu thô. “Với các hạn chế đi lại và phong tỏa địa phương ở nhiều quốc gia trong khu vực, áp lực giảm phát có thể sẽ duy trì trong ngắn hạn...Ngoài ra, sự sụt giảm giá dầu cũng góp phần thêm vào mức lạm phát giảm khi chi phí năng lượng và khí đốt giảm mạnh”. 

Cùng với hành động của ngân hàng Trung Ương Singapore, hàng loạt ngân hàng trong khu vực cũng đã có động thái xoa dịu áp lực giảm phát trong nền kinh tế. Ngân hàng Ấn Độ hôm 26/3 hạ lãi suất cơ bản 0,75% xuống mức 4,4%. Ngân hàng Thái Lan cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% xuống 0,75%, trong khi ngân hàng Indonesia cũng đưa lãi suất cơ bản xuống 4,5% hồi giữa tháng 3.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục