WB cảnh báo làn sóng tăng nợ lớn nhất từ năm 1970, nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố hôm 8/1, WB cho hay đã có bốn làn sóng nợ bùng nổ trong 50 năm qua. Trong đó, làn sóng nợ bắt đầu từ năm 2010 và kéo dài đến hiện nay được cho là làn sóng nợ tăng nhanh nhất, lan rộng nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu kể từ những năm 1970. Các làn sóng nợ trước đó được xác định là 1970-1989, 1990-2001 và 2002-2009.
Ngân hàng Thế giới nhận định mức lãi suất thấp đang được duy trì tại đa số các nền kinh tế trên thế giới có nguy cơ gây ra khủng hoảng tài chính trên diện rộng, nhất là tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Khối nợ bao gồm tổng nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình, nợ cá nhân… Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, nguyên nhân gây ra làn sóng nợ thứ 4 trong thập kỷ này là do nhu cầu vay vốn để phục hồi nền kinh tế từ sau Đại suy thoái 2008-2009.
Thật vậy, theo báo cáo của WB, tính đến hết năm 2018, nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục gấp 230% GDP (khoảng 188.000 tỷ USD). Trong đó, tổng nợ từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đạt mức cao nhất mọi thời đại - gần 170% GDP (khoảng 55.000 tỷ USD), tức tăng hơn 54% so với thời điểm năm 2010.
Trung Quốc được xem là trung tâm khủng hoảng nợ công do quy mô khổng lồ của nền kinh tế cũng như mức nợ. Nợ công của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tính đến quý I/2019 đã vượt quá 303% GDP, tăng từ 297% GDP hồi năm 2018 do những khoản vay mà Chính phủ Bắc Kinh tung ra để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung.
Một trong những bằng chứng cho thấy áp lực khổng lồ từ núi nợ Trung Quốc là các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp kỷ lục trong khoảng thời gian qua. Theo báo cáo của Bloomberg, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu tại thị trường Trung Quốc năm 2019 đã lên tới 130 tỷ USD, vượt qua mức vỡ nợ cao nhất hàng năm là 122 tỷ USD hồi năm 2018.
Bên cạnh Trung Quốc, nhiều nền kinh tế phát triển cũng đang phải “còng lưng” gánh núi nợ khổng lồ. Nợ công của Nhật Bản hiện đã lên tới 228% GDP tính đến hết năm 2020, nợ công Mỹ và Anh xấp xỉ 100% GDP. Theo thống kê của WB, 70% các vụ vỡ nợ doanh nghiệp năm 2019 nằm ở Mỹ, bất chấp tình hình kinh tế Mỹ ổn định và tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại.
Để hạn chế nguy cơ làn sóng nợ bùng nổ trên toàn cầu dẫn đến khủng hoảng tài chính, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia quản lý nợ minh bạch, quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý tài chính công hiệu quả và có cơ chế thắt chặt quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí vay cũng như rủi ro tài chính.
Trong một động thái đầy lạc quan, Ngân hàng Thế giới nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,5% trong nam 2020, tăng 0,1% so với dự báo 2,4% trước đó, nhưng cảnh báo nguy cơ hạ mức dự báo vẫn có khả năng tồn tại. Nguyên nhân nâng mức dự báo được cho là do sự hạ nhiệt của hàng loạt rủi ro địa chính trị trên toàn cầu như căng thẳng Mỹ Trung và khủng hoảng Brexit. Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 trước khi lập tức thúc đẩy thỏa thuận giai đoạn 2. Dự kiến, Anh sẽ rời Liên Minh Châu Âu đúng hạn 31/1 sau chiến thắng thuyết phục của Đảng Bảo thủ do Thủ tướng Boris Johnson dẫn đầu trong cuộc bầu cử mùa đông hồi tháng 12.
Ông Ceyla Pazarbasioglu, phó chủ tịch về tăng trưởng, tài chính và thể chế công bằng tại WB nhận định: “Cải thiện môi trường kinh doanh, luật pháp, quản lý nợ...có thể là chìa khóa mở ra tăng trưởng bền vững”.