Vỡ nợ trái phiếu lên đỉnh, Trung Quốc tìm cách lấy lại niềm tin đầu tư

26/12/2019 10:09 GMT+7
Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi minh bạch hóa và xử lý các khoản vỡ nợ để khôi phục niềm tin nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu kỷ lục của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019.
Làn sóng vỡ nợ trái phiếu lên đỉnh, Trung Quốc loay hoay tìm cách lấy lại niềm tin đầu tư - Ảnh 1.

Tổng giá trị trái phiếu vỡ nợ tại Trung Quốc năm 2019 đã lên tới 130 tỷ USD, mức vỡ nợ hàng năm cao nhất từ trước đến nay

Hôm 24/12, một thông cáo được đăng trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho hay các quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung Ương, cơ quan quản lý chứng khoán, tòa án tối cao và những ban ngành liên quan để thảo luận về việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến các vụ vỡ nợ trái phiếu trong khuôn khổ một hội nghị chuyên đề diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.

Ông Liu Guoqiang, Phó thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cho hay: “Cải thiện cơ chế xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu là vấn đề bức thiết nhất lúc này để ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro tài chính. Các cách xử lý phải tuân thủ những quy tắc thị trường dựa trên nền tảng tôn trọng luật pháp… Tất cả các trái chủ phải được đối xử bình đẳng trong quá trình giải quyết tranh chấp vỡ nợ trái phiếu”.

Còn ông Zou Lan, một quan chức cấp cao phụ trách thị trường tài chính từ Ngân hàng Trung Ương thì nhấn mạnh nhu cầu giải quyết các khoản vỡ nợ một cách hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn để lấy lại niềm tin nhà đầu tư.

Hội nghị chuyên đề được tổ chức trong bối cảnh làn sóng vỡ nợ trái phiếu đang làm chao đảo thị trường trái phiếu Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư hoang mang. Theo báo cáo của Bloomberg, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu tại thị trường Trung Quốc năm 2019 đã lên tới 130 tỷ USD, vượt qua mức vỡ nợ cao nhất hàng năm là 122 tỷ USD hồi năm 2018. Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mất khả năng thanh toán trái phiếu đã làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro tái cấp vốn và khả năng duy trì thị trường tài chính ổn định của chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung cùng bất ổn thương mại toàn cầu.

“Chúng tôi tin rằng các gói cứu trợ của chính phủ sẽ ngày càng bị cắt giảm, dẫn tới nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc” - một chuyên gia từ S & P Global nhận định sau vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong 20 năm kể từ năm 1998 của Tewoo Group giữa tháng 12. Tập đoàn Tewoo có trụ sở tại Thiên Tân từng được Fortune xếp hạng 132 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đã thừa nhận mất khả năng trả lãi số trái phiếu lên tới 1,6 tỷ USD. Trước đó, hồi tháng 11, ngân hàng bảo lãnh tín dụng của Tewoo là Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã buộc phải chuyển 7,87 triệu USD tiền lợi suất cho các trái chủ sau khi Tewoo thừa nhận không thể trả lãi với 500 triệu USD trái phiếu đáo hạn.

Nợ doanh nghiệp Trung Quốc gần đây đã trở thành vấn đề nóng khi nhà kinh tế học Moody - ông Mark Zandi cảnh báo điều này có thể trở thành rủi ro hàng đầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Việc Bắc Kinh để các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà đầu tư rằng Chính phủ có vẻ như đang cắt giảm dần các khoản cứu trợ cho doanh nghiệp nhà nước, để mặc doanh nghiệp tự xoay xở theo cơ chế thị trường; và rằng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhà nước giờ đây không còn là nơi trú ẩn an toàn.

Các thỏa thuận trả nợ trái phiếu bí mật tại Trung Quốc không phải là hiếm, khi các công ty mất khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của họ. Những doanh nghiệp thường ưu tiên bồi thường các nhà đầu tư cá nhân thay vì các nhà đầu tư tổ chức hay chủ thể nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng có xu hướng đàm phán gia hạn thanh toán với nhà đầu tư bằng các cuộc thảo luận riêng thay vì giải quyết thông qua Cơ quan thanh toán bù trừ để tăng sự minh bạch.

Trong khuôn khổ hội nghị chuyên đề, Chủ tịch Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc Zhou Qiang cũng hứa hẹn sẽ tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư thông qua những điều luật như buộc tổ chức phát hành trái phiếu có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp các thông tin minh bạch đến chủ đầu tư. Còn Yi Huiman, chủ tịch Ủy ban điều tiết Chứng khoán Trung Quốc thì cam kết sẽ huy động các cơ quan giám sát tăng cường giám sát các tổ chức phát hành trái phiếu cũng như cơ quan trung gian trong nỗ lực giảm nguy cơ vỡ nợ cũng như minh bạch hóa quá trình xử lý vỡ nợ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục