Trung Quốc vỡ nợ là 1 trong 3 rủi ro đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái

06/10/2019 14:05 GMT+7
Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giờ đây, thế giới lại phải đối mặt với một nguy cơ mới, khi mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều giảm tốc rõ rệt. Dưới đây là 3 rủi ro có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái.

Suy thoái kinh tế Mỹ

Trung Quốc vỡ nợ là 1 trong 3 rủi ro đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái - Ảnh 1.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường vốn lớn nhất có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế - tài chính toàn cầu. Không khó hiểu khi các chuyên gia nhận xét: Khi nước Mỹ "hắt hơi", kinh tế toàn cầu "cảm lạnh". Nhưng giờ đây, nước Mỹ rõ ràng đang chứng kiến những dấu hiệu lao đao đao sau hàng loạt xung đột thương mại mà Tổng thống Donald Trump khơi mào.

Dù ông Trump chưa bao giờ thừa nhận cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã gây ra những tổn thương cho nền kinh tế Mỹ, nhưng các nhà nghiên cứu phân tích lại chứng minh điều ngược lại. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase từng cảnh báo việc Trump áp thuế lên toàn bộ 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ mất thêm 1.000 USD mỗi năm. Tâm lý tiêu dùng cũng đang giảm mạnh trong tháng 9/2019 sau khi một phần thuế quan mà ông Trump áp lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Ở một diễn biến khác, trong quý II/2019, đầu tư kinh doanh đã giảm mạnh 1% so với cùng kỳ năm 2018, phản ánh sự thận trọng của thị trường trong bối cảnh bất ổn tài chính. 

Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 9 của Mỹ thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ, đẩy Dow Jones giảm liền 838 điểm sau 2 phiên giao dịch. Lợi nhuận doanh nghiệp ít triển vọng khi S&P 500 báo cáo mức lợi nhuận giảm trong cả nửa đầu năm 2019.

Chống lại lập luận nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, Tổng thống Donald Trump thường viện dẫn doanh số bán lẻ tăng mạnh cũng như tăng trưởng việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm… Tuy nhiên, ông Trump vẫn cần một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để có lợi thế trong kỳ bầu cử năm 2020 sắp tới, nhất là giữa bối cảnh Đảng Dân chủ đang phát động điều tra luận tội, nỗ lực hạ bệ Tổng thống.

Trung Quốc vỡ nợ

Trung Quốc vỡ nợ là 1 trong 3 rủi ro đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái - Ảnh 2.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington từng đưa ra ước tính rằng tính đến hết quý I/2019, số nợ của Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đã đạt tới 303% GDP, tức chiếm 15% tổng khối lượng nợ toàn thế giới. 

Trước khi cuộc chiến tranh thương mại cay đắng với Mỹ leo thang, Trung Quốc từng nỗ lực siết chặt tín dụng nhằm ngăn chặn sự gia tăng phi mã của nợ công. Nhưng thương chiến đã đè bẹp nỗ lực ấy. Kinh tế giảm tốc do các trừng phạt thuế quan từ Washington buộc Bắc Kinh phải tung ra những gói kích thích kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Tính đến quý II/2019, tổng nợ quốc gia của Trung Quốc đã lên tới 40 nghìn tỷ USD.


Ôm bom nợ, chính quyền Trung Quốc vẫn nhiều lần khẳng định có thể kiểm soát các khoản vay. Nhưng những đòn bẩy chính sách giờ đây dường như chẳng còn mấy tác dụng, bởi nền kinh tế Trung Quốc đã lún sâu trong nợ. Với xu hướng cắt giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều Ngân hàng Trung Ương trên thế giới, Bắc Kinh trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn tiếp tục bơm nợ vào nền kinh tế, hướng nguồn tín dụng vào khu vực kinh tế tư nhân và chi tiêu tiêu dùng để cứu vãn tốc độ tăng trưởng bất chấp nguy cơ vỡ nợ.

Lưu ý rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, đồng thời là thị trường vốn lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Rủi ro Trung Quốc vỡ nợ có khả năng sẽ kéo theo sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu.

Bất ổn ở Hồng Kông

Trung Quốc vỡ nợ là 1 trong 3 rủi ro đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái - Ảnh 4.

Những cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã kéo dài đến tháng thứ 5. Ban đầu, mục tiêu biểu tình chỉ để chống lại dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Nhưng giờ đây, khi lãnh đạo Hồng Kông Carie Lam đã chính thức tuyên bố từ bỏ dự luật, người biểu tình Hồng Kông lại đưa ra những yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn. Đáng lo ngại là chính quyền bà Carie Lam dường như bất lực trong việc kiềm chế sự tức giận của người dân.

Hồng Kông từ lâu đã trở thành một trung tâm tài chính thương mại của Châu Á, chi phối 437 tỷ USD giao dịch ngoại hối (số liệu năm 2016) và là một trong những cảng xuất khẩu quan trọng nhất thế giới. Sau sàn chứng khoán Mỹ, sàn London và Hồng Kông là những trung tâm giao dịch tài chính hàng đầu thế giới. Vậy nên, tình trạng bất ổn chính trị đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động tài chính - kinh tế tại Hồng Kông. Sàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba từng gửi đơn xin niêm yết trên sàn Hồng Kông, nhưng sau đó phải hoãn lại vì biểu tình. Nhiều doanh nghiệp khác cũng lao đao vì bất ổn.

Nhìn chung, thương chiến Mỹ Trung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là mâu thuẫn cơ bản đưa thế giới đến bờ vực suy thoái, theo cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hồi tháng 6. Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc sẽ có mặt tại Washington vào tuần tới với nỗ lực đàm phán thương mại, tiến gần hơn tới thỏa thuận, chấm dứt cuộc xung đột cay đắng trong suốt hơn 1 năm qua.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục