Ngân hàng Trung Quốc "cõng" 2 gánh lo: lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt do dịch Covid-19

05/04/2020 15:37 GMT+7
Sau một năm 2019 tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan, các ngân hàng Trung Quốc giờ đây đang đối mặt với nguy cơ tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh và nợ xấu tăng vọt do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung Quốc "cõng" 2 gánh lo: lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Lợi nhuận các Ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh do chính sách cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1,2 triệu ca nhiễm bệnh, các ngân hàng Trung Quốc giờ đây đang có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế giảm tốc, đối diện nguy cơ suy thoái trong năm nay.

Zhang Gengsheng, phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) nhận định nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát trên toàn cầu trong quý III, nền kinh tế Trung Quốc nói chung và các ngân hàng nói riêng sẽ gánh chịu hệ lụy nặng nề. Trong suốt hai tháng đầu năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như tê liệt do các biện pháp phong tỏa tỉnh thành, hạn chế giao thông, đóng cửa doanh nghiệp và trường học của chính phủ. Chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh khi nhu cầu người dân bị khóa lại đằng sau cánh cửa gia đình, các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Số nợ tín dụng quá hạn đưa ngân hàng đối diện nguy cơ nợ xấu tăng mạnh.

Ông Jin Yanmin, giám đốc rủi ro của CCB cho biết: “CCB đã chứng kiến sự gia tăng các khoản nợ quá hạn trong hai tháng đầu năm, chủ yếu là phân khúc cho vay cá nhân và thẻ tín dụng. Nhìn chung, trong cả năm 2020, chúng tôi dự kiến tỷ lệ nợ xấu NPL của phân khúc cho vay doanh nghiệp nhỏ sẽ tăng đều đặn”.

Cả Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đều cho biết khoảng 5% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã yêu cầu gia hạn các khoản vay trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, môi trường thương mại bất ổn. Tháng trước, các cơ quan quản lý đã công bố một số biện pháp đặc biệt cho phép những đối tượng vay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch được gia hạn khoản vay đến cuối tháng 6.

Theo CMB International Securities, 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2019 đạt bình quân 8,6%, tăng mạnh so với mức 6,1% hồi năm 2018. 10 ngân hàng này bao gồm 6 ngân hàng quốc doanh lớn như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc… và 4 ngân hàng cổ phần như Ngân hàng Thương gia Trung Quốc và Ngân hàng Ping An.

Cũng trong năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng quốc doanh ổn định quanh mức khoảng 1,4%. Nhưng năm nay, các chuyên gia trong đó có nhà phân tích Terry Sun của CMB International Securities dự báo áp lực nợ xấu sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trong quý II và nửa cuối năm 2020. 

Có một thực tế là các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ hầu hết tại Trung Quốc, với hơn 90% doanh nghiệp lớn hoạt động trở lại và 89,9% người lao động trở lại làm việc, theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc tính đến cuối tháng 3. Nhưng điều này không đồng nghĩa với sự hồi phục kinh tế hoàn toàn, do khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn đang lao đao vì nhu cầu giảm mạnh sau đại dịch. Thêm vào đó, nguy cơ làn sóng dịch bệnh lần thứ hai và môi trường kinh doanh ảm đạm trên toàn cầu do dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ và Châu Âu cũng đặt doanh nghiệp Trung Quốc vào thế khó. Các doanh nghiệp Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các thị trường quốc tế, vốn đang trì trệ vì đại dịch Covid-19. 

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần NIM, thước đo lợi nhuận các ngân hàng Trung Quốc phần lớn ổn định trong quý IV/2019 theo báo cáo tài chính được công bố. Nhưng hầu hết các Ngân hàng dự báo NIM giảm trong năm 2020 trong bối cảnh môi trường vĩ mô trong nước và toàn cầu đối diện nhiều thách thức. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC trước đó đã tuyên bố cắt giảm lãi suất tham chiếu LPR và cả lãi suất trung hạn trong nỗ lực giảm chi phí vay, ổn định nền kinh tế. Lãi suất có thể giảm sâu hơn do xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu nói chung và nỗ lực xoa dịu tổn thất kinh tế của chính phủ nói riêng. 

Xu hướng cắt giảm lãi suất dù tỏ ra hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng siết chặt mức lợi nhuận các ngân hàng do lãi suất tiền gửi không theo kịp sự sụt giảm lãi suất cho vay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục