Ngân hàng Trung Quốc cho vay ồ ạt: Tiền "ngập mặt" có đủ cứu nền kinh tế?

21/02/2020 11:26 GMT+7
Các ngân hàng Trung Quốc đang nỗ lực bơm lượng khổng lồ khoản vay tín dụng vào hệ thống tài chính để “hồi sinh” kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát.
Ngân hàng Trung Quốc cho vay ồ ạt: tiền "ngập mặt" có đủ cứu nền kinh tế giữa đại dịch? - Ảnh 1.

Vay tín dụng trong tháng 1/2020 của Trung Quốc bằng tổng vay tín dụng cả năm 2020

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc hôm 20/2 cho biết, tổng các khoản vay tín dụng trong tháng 1 tại các ngân hàng thương mại nước này đã lên tới 3,34 nghìn tỷ NDT (tương đương 477 tỷ USD), mức cho vay hàng tháng cao nhất mọi thời đại. Con số này gần bằng tổng khoản vay của các ngân hàng trên toàn Trung Quốc trong năm 2007.

Mức tăng ròng các khoản vay trung hạn và dài hạn dành cho doanh nghiệp đạt 1,66 nghìn tỷ NDT, cho thấy các ngân hàng vẫn chủ yếu tập trung hỗ trợ những dự án đầu tư lớn. Trong khi đó, các khoản vay trung hạn và dài hạn cho hộ gia đình, cá nhân chỉ ở mức 749,1 tỷ NDT.

Tổng ngân sách tài trợ, bao gồm các khoản vay ngân hàng, vay ủy thác, tín phiếu, trái phiếu và vốn chủ sở hữu cũng đạt mức cao kỷ lục 5,07 nghìn tỷ NDT (tương đương 724 tỷ USD), tăng 388,3 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Raymond Yeung, giám đốc kinh tế vĩ mô Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ nhận định rằng con số khổng lồ này thậm chí chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch virus corona với hệ thống tài chính Trung Quốc. Ông cũng quan ngại gánh nặng nợ xấu trở lại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi nước này nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ để “hồi sinh” kinh tế tê liệt vì đại dịch. “Trung Quốc dễ rơi vào bẫy thanh khoản như Nhật Bản” nếu GDP danh nghĩa của Trung Quốc không thể tăng trưởng nhanh tương xứng, ông Yeung cảnh báo. 

Thực tế, nhiều chuyên gia lo ngại tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I/2020 có thể giảm mạnh xuống 3,5% trong bối cảnh phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ vì dịch bệnh. Nếu tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc không đạt ít nhất 5,6%, nước này sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi quy mô GDP giai đoạn 2010-2020 mà Đảng Cộng sản đề ra hồi đầu thập kỷ. Đẩy mạnh bơm tín dụng vào nền kinh tế là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh để phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa tăng trưởng kinh tế trở về đúng hướng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Chính phủ cũng đang xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế tạm thời...

Hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm 1,2 nghìn tỷ NDT (171 tỷ USD) thanh khoản vào thị trường trong một ngày, trái ngược với thông lệ siết chặt thanh khoản thường thấy sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. PBOC cũng bơm thêm 300 tỷ NDT (42,9 tỷ USD) tín dụng cho các ngân hàng thương mại cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch virus corona. 

Sau loạt động thái cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn, hôm 20/2, Ngân hàng Nhân dân PBOC cuối cùng cũng điều chỉnh hạ lãi suất tham chiếu LPR một năm 0,1% và LPR năm năm 0,05% nhằm kích thích nền kinh tế. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn quan ngại mức cắt giảm này là chưa đủ để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ nhiều tuần liền vì dịch virus corona. Đó là chưa kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân có thể khó tiếp cận những nguồn tín dụng hỗ trợ như vậy. 

Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế học phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Capital Economics dự đoán PBOC nhiều khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tuần tới do mục tiêu khôi phục hoạt động kinh tế của Bắc Kinh.

Ding Shuang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Standard Chartered thì dự kiến PBOC có thể cắt giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và giảm thêm 0,1% lãi suất các khoản vay trung hạn MLF từ nay đến quý III. Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I từ 4,5% xuống 2,8% trong bối cảnh dịch virus corona tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục