Ngành đường sắt tiếp tục xin bố trí 1.700 tỷ đồng cải tạo cầu
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trên mạng đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 3 cầu chung đường bộ - đường sắt là Lục Nam, Long Đại, Phố Lu. Cùng đó còn 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn.
Trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam có 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm, gồm: 55 cầu khu đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn cần thay thế kết cấu và 32 cầu khu đoạn Quy Nhơn - Sài Gòn cần thay thế cầu, gia cố. Nhiều cầu xây dựng từ những năm 1936, cá biệt có cầu xây dựng từ 1910; Nhiều cầu xây dựng trước năm 1975; Tải trọng các cầu nhỏ, chỉ từ 10-13 tấn.
Đối với 3 cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu, cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) hiện là cầu duy nhất trên mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện vẫn đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu.
Cầu Phố Lu (còn gọi cầu Chung Lu, km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai) và cầu Long Đại (tuyến đường sắt Bắc - Nam, địa bàn huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) tuy đã có cầu đường bộ bên cạnh nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung do giao thông đến cầu đường bộ chưa thuận lợi, nên nguy cơ mất an toàn vẫn còn.
Để đảm bảo an toàn chạy tàu trên các tuyến đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí khoảng 1.700 tỷ để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm và làm các công trình để tách giao thông đường bộ, đường sắt đối với 3 cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị bố trí vốn giai đoạn 2022-2023 để làm cầu vượt để xử lý các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí; Xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi đảm bảo an toàn tại 14 vị trí; Cải tạo, sửa chữa 13 hầm tuyến Hà Nội - TP.HCM.
Về hoạt động năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…; khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, chúng tôi sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Hà Khẩu-Côn Minh, Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ ba; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt.
Cuối năm 2021, tại cuộc họp với Tổng công ty, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng công ty chủ động đề xuất các giải pháp, cơ chế cụ thể thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến bắc-nam và vận tải hàng đi châu Âu.
Định hướng cho ngành đường sắt, Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với vận tải nội địa, cần rà soát, xác định một số ga hiện hữu còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ, từ đó vận chuyển bằng tàu. Cơ chế đầu tư có thể theo hướng tự chủ 100% vốn hoặc liên doanh, liên kết, kêu gọi vốn. Cần mạnh dạn đề xuất và đầu tư đồng bộ để đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa.