Ngành tôm Ấn Độ đã vượt qua ảnh hưởng của COVID-19 như thế nào?
Theo Thefishsite, sau khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3/2020, vụ tôm mùa hè của nước này đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Các chuyên gia ước tính rằng ngành tôm có thể đối mặt với thiệt hại lên tới 1,5 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2021.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trên toàn cầu.
Nền kinh tế suy thoái do dòng chảy xuất khẩu đình trệ đã ảnh hưởng đến tất cả các phân khúc của chuỗi giá trị nuôi trồng thuỷ sản.
Việc phong tỏa và đóng cửa các dịch vụ thực phẩm cũng gây bất lợi đối với ngành tôm.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ Trung ương của Ấn Độ (CIBA), ngành tôm nước này sẽ phải đối mặt với khoản lỗ 1,5 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2021.
CIBA cũng đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát về những cú sốc kinh tế đối với ngành nuôi tôm do dịch COVID-19 gây ra.
Kết quả cho thấy sự bùng phát và những hạn chế của COVID-19 đã tác động tiêu cực đến từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành tôm.
Các trại sản xuất tôm giống, doanh nghiệp chế biến, nhà bán lẻ và công ty xuất khẩu ước tính lỗ khoảng 30 - 40% hoạt động kinh doanh của họ sau khi Ấn Độ áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Mặc dù đánh giá ban đầu khá nghiêm trọng, nhưng chính sách coi nuôi trồng thuỷ sản là một "hoạt động thiết yếu" của chính phủ cùng các biện pháp bảo vệ kinh tế như kiểm soát giá cả và cho phép các doanh nghiệp giữ công nhân trong biên chế trong giai đoạn phong tỏa đã giúp doanh nghiệp trụ vững trong vụ tôm mùa đông.
Ngành tôm trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ
Cuối tháng 9/2020, Ấn Độ đã công bố hơn 6,22 triệu trường hợp dương tính với COVID-19 và ghi nhận hơn 97 nghìn trường hợp tử vong.
Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ được áp dụng lần đầu tiên vào ngày 25/3 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Hầu hết lực lượng lao động của Ấn Độ phải ở nhà trong thời điểm đó.
Mặc dù Ấn Độ đang mở cửa trở lại theo từng giai đoạn nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh phong tỏa đối với chuỗi giá trị thực phẩm vẫn còn tiếp diễn.
Ấn Độ là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 trên thế giới với lợi nhuận ước tính là 5 tỉ USD mỗi năm.
Nước này cũng xuất khẩu 90% tổng sản lượng tôm trong nước sang các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, tạo cơ hội việc làm cho 1,2 triệu công nhân trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến, bán lwẻ và xuất khẩu.
Đối với những người nuôi tôm của Ấn Độ, lệnh phong toả đã được thông báo vào đầu vụ hè (giữa tháng 3 và tháng 7).
Giai đoạn này thường mang lại 60% sản lượng tôm hàng năm của Ấn Độ, với phần còn lại là vụ đông (giữa tháng 8 và tháng 12).
Việc di chuyển trong nội bang và giữa các bang rất quan trọng đối với ngành nuôi tôm.
Các hoạt động nuôi trồng, chế biến, sản xuất thức ăn và nghiên cứu tập trung ở các vùng khác nhau.
Việc phong tỏa khiến ngành nuôi tôm thiếu hụt nhân công và gây ra cú sốc cho thị trường.
Ảnh hưởng của COVID-19 đối với hoạt động sản xuất giống
Tác động lớn nhất đối với các trại sản xuất tôm giống là thiếu hụt lao động, đặc biệt là các nhân công lành nghề.
Chu kì sản xuất tôm giống không linh hoạt và phụ thuộc vào thời gian.
Do đó sự thiếu hụt đột ngột về nhân công có tay nghề cao đồng nghĩa với việc các trại ương giống không thể đáp ứng được hết các hợp đồng đã kí.
Tác động thứ hai của lệnh phong tỏa là nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu tôm giảm mạnh.
Các chủ trại giống không chắc chắn được đầu ra của tôm trong tương lai nên việc giữ lại tôm sau ấu trùng không bán được đồng nghĩa với việc lỗ nặng.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng hầu hết các trại sản xuất tôm giống đã loại bỏ nguồn giống sẵn có của họ do kinh tế không ổn định.
Một hạn chế nữa đối với các trại sản xuất tôm giống là sự phụ thuộc nguồn giống vào tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF).
Giống như hầu hết lô hàng quốc tế, nhập khẩu tôm bố mẹ SPF tạm thời bị đình chỉ trong thời gian phong tỏa. Các nhà khai thác trại nuôi cho hay nguồn cung cấp tôm bố mẹ hiện có của Ấn Độ không thể đáp ứng nhu cầu của họ, do đó họ thường bù đắp sự thiếu hụt bằng nhập khẩu.
Điều này đã gây ảnh hưởng đến khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nuôi tôm, từ đó gây nên ảnh hưởng đối với các khâu còn lại.
Ảnh hưởng của COVID-19 đối với người nuôi tôm
Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ có hiệu lực vào cuối tháng đầu tiên của mùa hè.
Theo khảo sát, 27% người nuôi đã chuẩn bị ao nuôi tôm để thả giống đã không hoàn thành chu kì sản xuất ba giai đoạn.
Người nuôi gặp khó khăn trong việc thu mua đầu vào sản xuất như thức ăn và con giống và nhu cầu đối với tôm thành phẩm là không thể đoán trước.
25% các trang trại đang ở giai đoạn một (chưa đầy 30 ngày kể từ thời kì nuôi) khi bắt đầu phong tỏa, 34% ở giai đoạn hai (tôm của họ đã có từ 30 đến 80 ngày tăng trưởng) và 14% ở giai đoạn ba (trong đó tôm của họ đã trải qua hơn 80 ngày trong môi trường ao nuôi).
Các trang trại ở giai đoạn ba nói với các nhà nghiên cứu rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận nhỏ hoặc hòa vốn, nhưng những trang trại khác thì không may mắn như vậy.
Một số trại nuôi thậm chí “bán tháo” tôm nhỏ với giá chiết khấu nhằm tránh thiệt hại lớn hơn trong tương lai.
Tuy nhiên không phải lúc nào các vụ bán tháo này cũng đem lại hiệu quả.
Việc hạn chế di chuyển khiến người nuôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các doanh nghiệp chế biến và bán lẻ. Nhiều trang trại buộc phải chịu cảnh thua lỗ vụ tôm hè thu.
Người nuôi thường dựa vào các phòng thí nghiệm để theo dõi chất lượng nước và sức khỏe tôm trong chu kì sản xuất.
Việc các phòng thí nghiệm đóng cửa khiến người nuôi không thể dễ dàng quản lí chất lượng nước hoặc xác định các đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian nuôi.
Không những thế người nuôi còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân công nhân trong thời gian phong tỏa do không có khả năng đảm bảo tiền lương khiến cho nguồn lao động bị thiếu hụt.
Kết quả là sản xuất bị chậm lại.
Chế biến và tiếp thị
Các công ty chế biến thủy sản cho hay thiếu hụt nhân lực là hạn chế chính của họ.
Công nhân nhập cư, những người chiếm phần lớn lao động có tay nghề cao của Ấn Độ tại các nhà máy chế biến, đã trở về nhà trong thời gian phong tỏa.
Điều này không chỉ khiến quá trình sản xuất bị chậm lại mà còn làm giảm chất lượng tôm sau khi chế biến. Các yêu cầu về giãn cách xã hội và đảm bảo trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho người lao động là những thách thức hơn nữa đối với các công ty chế biến thủy sản.
Các đơn đặt hàng tôm không đủ lớn để chạy thiết bị chế biến hay việc nhiều người nuôi “bán tháo” tôm quá nhỏ để xử lí bằng máy móc đã làm gia tăng thêm vấn đề.
Sản lượng tôm Ấn Độ xuất khẩu cũng giảm mạnh do các thị trường tiêu thụ chính đóng cửa dịch vụ thực phẩm cũng gây áp lực lên các kho lưu trữ đông lạnh và hàng tồn kho ngày một nhiều.
Mặc dù chính quyền bang Andhra Pradesh đã ban hành giá thu mua tối thiểu cho các kích cỡ tôm khác nhau để ổn định thị trường, những người tham gia nghiên cứu cho biết chính sách này không được thực thi nghiêm túc.
Các công ty chế biến thường từ chối trả giá cố định và nói với người nuôi rằng tôm kém chất lượng.
Ước tính những thiệt hại từ COVID-19
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng sự gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm từ 30 - 40% trong mỗi thành phần của chuỗi giá trị nuôi trồng tôm.
Về mặt kinh tế, thiệt hại này có thể lên tới 1,5 tỉ USD cho năm 2020.
Sự sụt giảm lớn nhất là do xuất khẩu tôm, sản lượng xuất khẩu dự kiến cho năm 2020 thấp hơn gần 40% so với năm 2019.
Sản lượng tôm xuất khẩu giảm mạnh đang gây áp lực lên giá tôm và các nhà nghiên cứu dự kiến giá sẽ giảm 35% trước năm 2021.
Nhóm nghiên cứu cũng dự kiến nguồn lao động trong lĩnh vực này sẽ giảm từ 30 - 40% do các hoạt động chế biến và nuôi trồng bị kìm hãm.
Phân tích của họ cũng cảnh báo rằng những tác động này có thể tăng lên nếu Ấn Độ trải qua đợt COVID-19 thứ hai và phải đối mặt với một đợt hạn chế khác trong vụ mùa tôm đông.
Sự phục hồi của ngành tôm sau cú sốc
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của đại dịch.
Ngay sau khi mở cửa trở lại, việc nuôi trồng và chế biến thuỷ sản được coi là “hoạt động thiết yếu”, cho phép một số doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, ngay cả khi công suất của họ đã sụt giảm.
Tuy nhiên, các chính phủ nên xem xét các biện pháp bảo vệ khác đối với nuôi tôm.
Mặc dù những nỗ lực ban đầu nhằm thiết lập giá tối thiểu cho tôm nuôi không đạt được thành công nhất định, nhưng những nỗ lực thực thi bổ sung có thể biến điều này thành biện pháp bảo vệ chính cho người nuôi tôm và cải thiện dự báo cho các nhà chế biến.