Nghị quyết 68 sẽ là "bệ phóng" cho thế hệ doanh nhân
Đây không chỉ là sự động viên tinh thần, mà còn là kim chỉ nam, mở ra cơ hội phát triển đột phá cho khu vực kinh tế được xem là động lực chính của nền kinh tế xứ Lạng.
Tiềm năng lớn bên cạnh những thách thức dai dẳng
Lạng Sơn, tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, sở hữu một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế. Với đường biên giới dài hơn 231km tiếp giáp với Trung Quốc, Lạng Sơn là mắt xích trọng yếu trong chuỗi logistics xuyên quốc gia, hội tụ tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái và thương mại biên giới.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Lạng Sơn, tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 ước đạt 7,16% , cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Hạ tầng giao thông, đô thị, khu cụm công nghiệp được chú trọng đầu tư, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn: Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, và cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu bền vững.
Ông Đào Trọng Tâm – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Một trong những trăn trở lớn nhất là sự phát triển của doanh nghiệp còn hạn chế; tỉnh thiếu vắng những doanh nghiệp lớn, những "con sếu đầu đàn" có thể dẫn dắt cuộc chơi. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuyển đổi số còn thấp, trong khi hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt. Sự phụ thuộc lớn vào kinh tế cửa khẩu cũng là một thách thức không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế tư nhân, với nòng cốt là các doanh nghiệp, đã và đang khẳng định vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GRDP và vốn đầu tư toàn xã hội.
Dù phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với nguồn lực hạn hẹp, nhưng khu vực này đã phát triển khá năng động. Năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập hơn 1.200 doanh nghiệp mới, đạt 200% kế hoạch. Tính đến 6 tháng đầu năm 2025, Lạng Sơn có tổng cộng 5.477 doanh nghiệp, góp phần quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy xuất nhập khẩu và nâng cao đời sống người dân.
Nghị quyết 68 "Cơn mưa rào" giải tỏa những điểm nghẽn
Sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 được xem là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Được xác định là một trong bốn nghị quyết trụ cột để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng , Nghị quyết 68 mang những thông điệp mạnh mẽ, sát thực, đi thẳng vào các "điểm nghẽn" đã kìm hãm kinh tế tư nhân bấy lâu nay.
Nghị quyết tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn: Xóa bỏ rào cản, Bảo vệ doanh nghiệp và Khơi thông nguồn lực.

Đặc biệt, Nghị quyết thẳng thắn nêu rõ những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân và khẳng định quan điểm của Đảng: kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những mục tiêu Nghị quyết đề ra cũng rất cụ thể: Đến năm 2030 phấn đấu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân, và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, Việt Nam có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn, những đột phá của Nghị quyết đã thắp lên niềm tin và sự phấn khởi. Đó là sự thay đổi trong nhận thức của các cấp, các ngành, xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử; là sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, chính sách; là sự cải cách thể chế và đột phá về chính sách hỗ trợ.
Từ Nghị quyết đến hành động: Kỳ vọng và đề xuất của doanh nghiệp Xứ Lạng
Dù phấn khởi, nhưng các doanh nghiệp Lạng Sơn cũng nhìn nhận thực tế rằng các mục tiêu của Nghị quyết 68 là rất cao so với xuất phát điểm của tỉnh.
Hiện tại, Lạng Sơn mới chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp/1.000 dân. Dự thảo Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy cũng đặt ra mục tiêu khiêm tốn hơn so với bình quân chung cả nước: có ít nhất 7.500 doanh nghiệp vào năm 2030 và 12.000 doanh nghiệp vào năm 2045.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ, kỳ vọng các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi.
Để biến kỳ vọng thành hiện thực, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã có những đề xuất cụ thể:
Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư: Đảm bảo các quyền của kinh tế tư nhân như quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Cần phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Khơi thông các nguồn lực: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân trong việc tiếp cận đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao. Giải quyết các vướng mắc về mặt bằng sản xuất, tín dụng ngân hàng, và có chính sách ưu đãi thực chất về thuế, phí.
Giải quyết dứt điểm các tồn đọng: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm. Đặc biệt, cần giải quyết việc hoàn trả các khoản phải thanh toán cho doanh nghiệp, các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản để đảm bảo công bằng.
Thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi số: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh trong khu vực kinh tế tư nhân.
Hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất: Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu , đồng thời có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.
Cắt giảm thực chất thủ tục hành chính: Giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm quy định về thanh, kiểm tra.
Về phía các doanh nghiệp nói chung và thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nói riêng, Hiệp hội cũng nhấn mạnh trách nhiệm phải đề cao đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, chăm lo cho người lao động và phát huy trách nhiệm xã hội.
Nghị quyết 68 đã mở ra một chương mới đầy hy vọng. Giờ là lúc cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn cần chung sức, đồng lòng để biến những chủ trương đúng đắn của Đảng thành những kết quả cụ thể, đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực hùng mạnh, góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp, văn minh.