Lạng Sơn: Giao thông đi trước một bước, kiến tạo mạng lưới kết nối đồng bộ sau sáp nhập

Hoàng Tính
12/07/2025 09:02 GMT +7
Với phương châm "giao thông đi trước một bước" để phát triển, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã chủ động kiến tạo một mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng với bộ máy hành chính mới sau sáp nhập

Đồng bộ quy hoạch, thích ứng với "tấm áo mới"

Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Lạng Sơn còn 65 xã, phường. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất là điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch liên quan để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.

Hạ tầng giao thông nông thôn thuận lợi sẽ là yếu tố quan trọng để người dân đi lại, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lạng Sơn

Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức rà soát tổng thể, với trọng tâm là quy hoạch hạ tầng giao thông. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, tương thích hoàn toàn với cơ cấu hành chính mới, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, hàng loạt giải pháp quyết liệt đang được triển khai đồng bộ: Tiếp tục rà soát và thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nguồn vốn đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song đó, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính để cập nhật các định hướng phát triển hạ tầng giao thông cho phù hợp với thực tiễn sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Một điểm nhấn chiến lược trong lần điều chỉnh này là việc cập nhật và bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Lạng Sơn – Thái Nguyên vào quy hoạch chung của tỉnh. Dự án này được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian phát triển mới, tăng cường kết nối liên vùng.

Đồng thời, công tác phối hợp với các đơn vị chuyên ngành và UBND cấp xã cũng được đẩy mạnh nhằm cập nhật kịp thời các tuyến đường kết nối đến trung tâm các xã mới và hệ thống giao thông nông thôn theo phân loại đường bộ đã được điều chỉnh.

Không để người dân vùng sâu, vùng xa bị bỏ lại phía sau

Ông Dương Công Vĩ – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đối với các xã mới được sáp nhập, việc cứng hóa và mở rộng đường giao thông nông thôn có vai trò sống còn, là yếu tố quyết định để ổn định đời sống người dân và thúc đẩy sản xuất. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, Sở Xây dựng đã và đang triển khai những kế hoạch cụ thể để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn đặc biệt là các tuyến đường kết nối trung tâm xã mới với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để đáp ứng cho sự phát triển của các xã sau sáp nhập ở Lạng Sơn. Ảnh: Lạng Sơn

“Ngay trong tháng 7/2025, Sở sẽ triển khai Kế hoạch Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiện trạng đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã sau sắp xếp. Từ các số liệu chính xác về các chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông và tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa… Kết quả của đợt kiểm tra sâu rộng này sẽ là nền tảng để Sở xây dựng đưa ra các giải pháp và định hướng đầu tư hiệu quả trong thời gian tới” ông Vĩ cho hay.

Về dài hạn, Sở Xây dựng cũng đang tham mưu cho HĐND-UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2026-2030. Đề án này sẽ kế thừa những thành quả đã đạt được từ các giai đoạn trước, đồng thời đưa ra những mục tiêu và giải pháp đột phá mới, với cam kết không để một khu vực nào, dù là khó khăn nhất, bị bỏ lại phía sau.

Tăng tốc các dự án trọng điểm để tạo liên kết vùng phát triển

Để Lạng Sơn thực sự cất cánh, việc kết nối giao thông nông thôn với các trục giao thông huyết mạch và tạo liên kết vùng là nhiệm vụ không thể tách rời. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai quyết liệt, bao gồm cao tốc: Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, và dự án nâng cấp Quốc lộ 4B…

Các tuyến đường nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ được kết nối chặt chẽ tạo động lực cho sự phát triển. Ảnh: Lạng Sơn

Hiện nay, các dự án này đều đang trong giai đoạn thi công gấp rút. Một tin vui là công tác giải phóng mặt bằng về cơ bản đã hoàn tất, bàn giao đủ cho các đơn vị thi công, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, bám sát kế hoạch đã được Chính phủ chỉ đạo.

Đối với dự án nâng cấp Quốc lộ 4B do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và với vai trò là cơ quan phối hợp chuyên môn cho các dự án cao tốc, Sở cũng đã chủ động tham mưu, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng đã giúp đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các phòng ban chuyên môn nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án để hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh nhiều lần, tránh gây chậm trễ và lãng phí.

Trong suốt quá trình thi công, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng với các Sở, ngành và địa phương liên quan luôn được duy trì. Sở thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh về nguồn vốn hay vật liệu xây dựng, yêu cầu các nhà thầu nâng cao năng lực để đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Với một chiến lược toàn diện, từ việc đồng bộ hóa quy hoạch, tập trung phát triển mạng lưới giao thông nông thôn đến tăng tốc các dự án hạ tầng chiến lược, Sở Xây dựng Lạng Sơn đang từng bước hiện thực hóa khát vọng về một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Việc xây dựng các công trình giao thông hiện đại chỉ là bước đầu. Để những con đường thực sự phát huy hết giá trị, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội bền vững, công tác quản lý, khai thác và bảo trì sau đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông cho biết thêm: Sau khi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cũng như bảo trì định kỳ và đột xuất. Với mục tiêu là luôn duy trì tình trạng khai thác của các tuyến đường được an toàn, êm thuận, đảm bảo tuổi thọ công trình và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và nhân dân.

Việc duy tu bảo dưỡng các tuyến đường đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm để đảm bảo tuổi thọ cho công trình, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và Nhân dân. Ảnh: Lạng Sơn

Có thể nói, với một chiến lược toàn diện, đi từ tầm nhìn quy hoạch vĩ mô đến những hành động cụ thể tại cơ sở, Sở Xây dựng Lạng Sơn đang thực sự là đầu tàu, hiện thực hóa khát vọng về một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, hiện đại.

Với sự kết hợp hài hòa giữa việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn và kết nối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân mà còn đang tạo ra một động lực mạnh mẽ, một "con đường lớn" cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Lạng Sơn trong giai đoạn mới.