Nghịch lý tại PNJ: Lương 13,79 triệu đồng vẫn có gần 1.500 người nghỉ việc
Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nổi tiếng là có chế độ ưu đãi rất lớn cho dành lãnh đạo cấp cao. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ thường nằm trong danh sách các sếp lớn được trả lương cao nhất thị trường (không tính tới ngành ngân hàng). Mỗi năm, bà Dung nhận trên khoảng 5 tỷ đồng, tương đương 417 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, thu nhập của người lao động ít được nhắc đến. Trên thực tế, thù lao dành cho nhân sự PNJ khá cao nhưng không nổi trội. Trong năm 2019, trung bình mỗi nhân viên PNJ được trả 13,79 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với 12,9 triệu đồng/người/tháng của năm 2018.
Như vậy, thu nhập của lãnh đạo cấp cao có thể cao gấp 30,2 lần so với nhân viên bình thường.
Trong năm 2019, lãnh đạo cấp trung làn nam giới đạt thù lao trung bình 71,26 triệu đồng/người/tháng. Còn đồng nghiệp nữ được ưu ái hơn một chút khi có thu nhập 73,23 triệu đồng/người/tháng.
"Mục đích cao nhất của chúng tôi là hướng đến việc tôn vinh giá trị đích thực xuất phát từ vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ – đây không phải là việc của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà còn là của toàn thể cộng đồng, là mục tiêu quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và ngoài xã hội", bà Cao Thị Ngọc Dung đã nhấn mạnh về mục tiêu bình đẳng giới của PNJ.
Thu nhập của người lao động và lãnh đạo cấp trung không quá cao nhưng vẫn là mơ ước của nhiều ngành nghề. Vì vậy, khá ngạc nhiên khi trong năm 2019, PNJ chứng kiến tới 1.500 lao động nghỉ việc. Cụ thể, 580 người nghỉ việc vì lý do gia đình, 28 người đi học, 39 người vi phạm nội quy và 832 người nghỉ vì lý do khác.
Lượng nhân sự nghỉ việc khá đông nên ngày 20/4/2020, Hội đồng quản trị PNJ đã ra quyết nghị mua lại số lượng cổ phiếu đã phát hành cho cán bộ nhân viên trong chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2018 và 2019 làm cổ phiếu quỹ.
Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua lại là 31.180 cổ phiếu. Mức giá mua vào bằng với giá phát hành 20.000 đồng/CP. Như vậy, PNJ phải chi ra 624 triệu đồng để mua lại lượng cổ phiếu này.
Đóng cửa phiên giao dịch 21/4, PNJ dừng ở mức 57.900 đồng/CP, cao hơn 37.900 đồng/CP so với giá mua lại cổ phiếu ESOP. Điều có nghĩa ngay sau khi mua vào, PNJ đã lãi 1,2 tỷ đồng.
Trong quý 1/2020, cùng nhiều doanh nghiệp khác, PNJ phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng để phòng tránh dịch Covid-19 nên PNJ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn đó chưa phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh qusy 1/2020. Trong kỳ, PNJ vẫn tăng trưởng doanh thu và chỉ giảm nhẹ lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của PNJ, trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PNJ tăng từ 4.821 tỷ đồng lên 5.047 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại giảm 21 tỷ đồng, tương đương 5,1% so với quý 1/2019.
Nguyên nhân của sự lệnh pha này là do tất cả các chi phí đều tăng. Chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 368 tỷ đồng. Còn xét về tốc độ tăng, chi phí tài chính đi lên mạnh nhất khi tăng 21,2 tỷ đồng, tương đương 87,2% lên 45,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản tại PNJ chỉ đạt 8.389 tỷ đồng, giảm 214 tỷ đồng, tương đương 2,5% so với cuối năm 2019.
Những tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian thiệt hại lớn của PNJ. Đầu năm, giá cổ phiếu PNJ lao dốc. Trong tháng 4, khi toàn thị trường phục hồi, nhiều blue-chips tăng mạnh, PNJ đi lên chậm chạp. Chính vì vậy, sau gần 4 tháng giao dịch, PNJ vẫn có xu hướng là giảm giá.
Đóng cửa phiên giao dịch 21/4, PNJ dừng ở mức 57.900 đồng/CP, giảm 26.270 đồng/CP, tương đương 31,2% so với 31/12/2019. Vốn hóa thị trường PNJ đã "bốc hơi" tới 5.918 tỷ đồng.