Nghiên cứu phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cây Đào chuông xứ Lạng

25/12/2019 11:04 GMT+7
Với mục tiêu nghiên cứu phát triển cây Đào Chuông trở thành một loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao, phát triển nghề làm hoa, cây cảnh, cây công trình, cây tạo cảnh quan, góp phần phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu, phát triển cây Đào Chuông tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Đề tài “Nghiên cứu, phát triển cây đào chuông tại huyện Đình Lập” do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2021. 

 Đình Lập là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn, nằm trên trục đường 4B nối giữa thành phố Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh, nối vùng biên giới Việt - Trung với các tỉnh phía Đông Bắc Bộ của Việt Nam. Đình Lập có địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất, tạo thành các dải đất dài, bằng và hẹp. Tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định (nhiệt độ trung bình 21,4 độ C, lượng mưa trung bình 1.448 mm, ẩm độ trung bình 62%), rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là những loại cây trồng ưa lạnh. 

Nghiên cứu phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cây Đào chuông xứ Lạng  - Ảnh 1.

Đào Chuông là loại hoa ưa lạnh, đươc khách hàng ưa chuộng để trưng bày dịp Tết. (IT)

Cây Đào chuông (người dân địa phương còn gọi với tên khác – Hoa Anh Đào) với các đặc điểm có hình dáng cây bắt mắt, cấu trúc hoa đặc biệt được kết bằng những cánh mỏng trong như thủy tinh. Với sức sống mãnh liệt, bộ rễ bám chặt giữa những vách đá, khe suối nên dù có những thời điểm khí hậu trong vùng khắc nghiệt nhiệt độ xuống âm 3 độ C mà cành Đào chuông vẫn đâm chồi nảy lộc xanh mướt. Theo quan niệm phong thủy, Đào chuông có thể trị bách quỷ, là biểu tượng cho sự đổi mới, với sức sinh trưởng phát triển mạnh mẽ. Hoa Đào chuông thường nở vào dịp tết, do vậy nhu cầu về cây Đào chuông ngày càng cao. 

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (2018, 2019) cho thấy, phần lớn các hộ được phỏng vấn đều trả lời đã từng đi bứng cây Đào chuông trong rừng để bán cho các thương lái hoặc mang về trồng trong vườn nhà với số lượng 1 - 3 cây. Đến mùa quả chín để thu hái quả ăn tươi, mang về ngâm rượu,... Do thân cây cao, to, phân cành cao nên bà con chủ yếu lấy quả bằng cách hạ cành, thâm chí hạ cả cây. Điều này đã khiến giống đào chuông này hiếm dần trong tự nhiên. 

Nghiên cứu phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cây Đào chuông xứ Lạng  - Ảnh 2.

Mục tiêu nghiên cứu là phát triển cây Đào Chuông trở thành một loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao, phát triển nghề làm hoa, cây cảnh, cây công trình, cây tạo cảnh quan, góp phần phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, (Ảnh: Langson.gov)

Từ khi triển khai đến nay, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm với 1.500 cây với các nội dung gồm nhân giống Đào Chuông theo các kỹ thuật nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép đoạn, cành để xác định thời vụ ghép; tổ hợp ghép; ảnh hướng của tuổi cây; ảnh hưởng của thuốc kích ra rễ; xây dựng mô hình nhân giống với số lượng 3.500 cây nhân giống từ hạt.

 Ông Hoàng Trường Sinh thôn Nà Thuộc, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2018, ông được một số chuyên gia từ Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kỹ thuật nhân giống cây đào chuông. Từ việc chỉ ươm giống bằng hạt, ông Sinh đã bắt đầu phát triển kỹ thuật ghép cây đào chuông vào cây đào phai. Dần dần, toàn bộ số cây con trong vườn của ông Sinh đều sử dụng kỹ thuật ghép cây. Qua đó rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp cây con khỏe mạnh và phát triển ổn định hơn. 

Hiện nay, cây ghép đang bắt đầu bật mầm. Cây nhân giống từ hạt sinh trưởng, phát triển tốt. Đề tài được thực hiện đảm bảo theo đúng nội dung và tiến độ đã đề ra góp phần mang lại thu nhập cho người dân tại đây.

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục