Người sáng lập FTX đã "lừa" các nhà đầu tư như thế nào?

16/11/2022 11:29 GMT+7
Người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried bị cáo buộc đã mua các mã thông báo tiền điện tử trước khi chúng được niêm yết trên nền tảng.

Dùng danh nghĩa của chính một công ty thương mại của FTX để mua các mã thông báo trước khi chúng được niêm yết

Theo Wall Street Journal, ông chủ của sàn FTX Sam Bankman-Fried đã sử dụng một thủ thuật cũ để kiếm nhiều tiền hơn trên sàn giao dịch tiền điện tử FTX của mình. Sam Bankman-Fried bị cáo buộc đã dùng danh nghĩa của chính Alameda Research (một công ty thương mại của FTX) để mua các mã thông báo trước khi chúng được niêm yết trên nền tảng. Số lượng được cho là lên đến gần 60 mã, dựa trên ethereum-blockchain trước khi khách hàng của chính công ty có thể mua và bán chúng. Việc thực hiện này giống như giao dịch nội gián.

Người sáng lập FTX đã "lừa" các nhà đầu tư như thế nào? - Ảnh 1.

Ông chủ của sàn FTX Sam Bankman-Fried đã sử dụng một thủ thuật cũ để kiếm nhiều tiền hơn trên sàn giao dịch tiền điện tử FTX của mình.

Blockchain data từ Argus (một công ty phân tích), cho thấy rằng, mặc dù FTX cho biết họ sẽ liệt kê các mã thông báo đầu tiên trên sàn giao dịch của mình để các nhà đầu tư, từ bán lẻ đến các tổ chức như quỹ phòng hộ có thể mua chúng, nhưng điều đó không đúng. Thay vào đó, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/ 2022, Alameda sở hữu 60 triệu USD mã thông báo từ 18 danh sách. Số liệu từ blockchain (một sổ cái kỹ thuật số mà mọi người có thể xem), cho thấy Alameda đã mua các mã thông báo trước khi niêm yết.

Biết trước thông tin về mã thông báo hoặc cổ phiếu sẽ được niêm yết sẽ khiến các nhà đầu tư có thể kiếm tiền bằng cách mua chúng trước và bán chúng ngay sau đó. Việc niêm yết mã thông báo sẽ tăng thêm tính thanh khoản và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến với chúng, tương tự như khi cổ phiếu được công khai. 

"Những gì chúng tôi thấy là về cơ bản, họ hầu như luôn luôn mua vào một vị thế mà trước đây họ không mua. Rõ ràng là có điều gì đó trên thị trường nói với họ rằng họ nên mua những thứ mà trước đây họ không mua." Omar Amjad, đồng sáng lập của Argus, cho biết trên bài báo.

Vào tháng 2, Bankman-Fried đã nói với WSJ trong một email rằng Alameda đã nhận được thông tin tương đương với các nhà tạo lập thị trường khác trên nền tảng của mình. Bài báo cho biết các nhà giao dịch trên Alameda không có nhiều quyền truy cập hơn vào dữ liệu thị trường, giao dịch hoặc thông tin khách hàng.

Chiếm đoạt tiền của khách hàng

Theo Reuters, việc mất khả năng thanh toán của FTX, và nộp đơn công bố phá sản vào 11/11 vừa qua dường như đã xảy ra khi người sáng lập Sam Bankman-Fried được cho là đã chuyển 10 tỷ đô la tiền của khách hàng từ FTX sang nền tảng giao dịch tiền điện tử Alameda Research của mình. Theo Luật Chứng khoán của Mỹ, việc tự ý sử dụng tiền của người dùng mà không nhận được sự đồng ý là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hành động này cũng đi ngược với quy tắc về điều khoản dịch vụ mà chính FTX đưa ra. Những người giữ vị trí cấp cao ở FTX cho hay FTX đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 1,7 tỷ đô la.

Bankman-Fried từ chối bình luận về các cáo buộc chiếm đoạt tiền của khách hàng. Ông cho biết việc nộp đơn phá sản gần đây là kết quả của các vấn đề với vị thế giao dịch đòn bẩy. Mọi việc bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ báo cáo của CoinDesk ngày 2/11 về bảng cân đối kế toán của Alameda, trong đó đề cập việc quỹ này và sàn FTX chỉ dùng FTT làm tài sản đảm bảo, thay vì phải có thêm khoản dự phòng mang tính ổn định khác.

Người sáng lập FTX đã "lừa" các nhà đầu tư như thế nào? - Ảnh 2.

Sự sụp đổ của FTX đã làm choáng váng thế giới tiền số.

Sau thông tin này, người đầu tiên đứng ra công bố bán FTT là CEO Binance, Changpeng Zhao (CZ). Khi đó, Bankman-Fried vẫn khẳng định FTX có đủ tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, khi hàng loạt người dùng hoảng loạn rút tiền, nền tảng đã nhanh chóng khóa tính năng khi số tiền rời đi mới đạt khoảng 5 tỷ USD. Theo các nguồn tin, FTX khi đó đã cạn kiệt tiền dự trữ.

Việc người dùng đồng loạt rút tiền khiến giá của FTT giảm tới 75% trong một ngày. Điều này đồng nghĩa tài sản thế chấp không đủ để chi trả cho giao dịch.

Sự sụp đổ của FTX đã làm choáng váng thế giới tiền số

Thực tế trong những tháng gần đây, các đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo đế chế của Sam Bankman-Fried đang gặp nguy hiểm. Theo các cuộc phỏng vấn với 9 đồng nghiệp và đối tác kinh doanh của Sam Bankman-Fried, cũng như các bản ghi nội bộ mà New York Times thu được, tham vọng của vị CEO FTX đã vượt quá tầm kiểm soát. Cụ thể, các nhân viên chủ chốt không hề hay biết khi Sam Bankman-Fried thực hiện hàng loạt giao dịch mua bán và đầu tư vào các công ty tiền số gặp khó khăn. Nhà sáng lập FTX cũng từ chối đề xuất thuê thêm nhân viên dù nhân sự công ty đều đang bị quá tải. 

Theo Reuters, Solana (SOL) là đồng tiền điện tử chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi sàn giao dịch FTX sụp đổ. Token SOL đã giảm 53,8% giá trị kể từ khi xuất hiện những dấu hiệu bất ổn của FTX vào ngày 2/11. Để so sánh, giá Ethereum giảm khoảng 20%, trong khi giá Bitcoin giảm 19%. FTX và quỹ đầu tư Alameda Research đã cố gắng bán ra thị trường một lượng lớn SOL, nhằm mục đích huy động vốn và kéo dài hoạt động của sàn giao dịch. 

Sự sụp đổ của FTX đã "thổi bay" hơn 190 tỷ USD, đồng thời khiến cho rất nhiều nhà đầu tư hoang mang và mất niềm tin vào thị trường tiền điện tử.

T.Hương (Theo Wall Street Journal, Reuters)
Cùng chuyên mục