Nguồn cung khan hiếm, giá lợn giống cao kỷ lục

09/06/2020 19:02 GMT+7
Nguồn cung khan hiếm, giá lợn giống cao kỷ lục, có lúc lên tới trên 3 triệu đồng/con khiến người nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Lợn giống 3,6 triệu đồng/con

Theo khảo sát của Pv Etime, giá tại một số trại giống ở Hà Nam, Thái Bình, giá lợn giống đang ở mức cao kỷ lục. Tại Thái Bình, giá lợn giống cao sản nguồn gốc Đan Mạch lên tới 3,6 triệu đồng/con. Giống lợn Móng Cái, lợn hương có giá trên 3 triệu đồng/con. Giống lợn mẹ trắng, lợn áp siêu thương phẩm có giá trung bình trên 2 triệu đồng/con.

Giá lợn giống được cho là cao nhất từ trước tới nay nhưng không phải có tiền là mua được bởi nguồn cung không nhiều. Có những giống lợn hương, lợn siêu thương phẩm phải đặt trước, đặt cọc 50%  mới có lợn để mua.

Nguồn cung khan hiếm, giá lợn giống cao kỷ lục - Ảnh 1.

Giá lợn giống đang cao kỷ lục

Còn ở Hà Nam, lợn giống trọng lượng khoảng 8 - 10 kg cũng đang được bán với giá hơn ba triệu đồng mỗi con.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lợn giống tăng cao, các chủ trang trại cho rằng do khan hiếm nguồn cung lợn giống. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019,  tỉnh Hà Nam đã phải tiêu hủy tới 50% tổng đàn, trong đó có tới gần 4.000 con lợn nái bố mẹ.

Do đó, các trại lợn giống  trong tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề.Các trang trại còn giữ được nguồn lợn giống cũng ít bán ra ngoài cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phần lớn giữ lại để tái đàn.

Khó khăn khi tái đàn

Vì giá lợn giống quá cao, nhiều hộ chăn nuôi không khỏi “run tay” khi quyết định đầu tư tái đàn.

Một hộ chăn nuôi ở Thái Bình cho biết: “Giá thịt lợn đang cao kỷ lục, chăn nuôi lúc này hứa hẹn lãi cao. Tuy nhiên, nguồn lợn giống khan hiếm, giá thành cao trong khi phải mất thời gian chăm sóc nhiều tháng mới có thể xuất chuồng. Thời điểm đó, giá bán chưa biết lên xuống thế nào. Nếu giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi sẽ tiếp tục thiệt hại.”

“Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi cũng chỉ mới được khống chế nên nhiều hộ cảm thấy chưa thực sự yên tâm và tỏ ra thận trọng hơn khi tái đàn”- người này cho biết thêm.

Trước tình trạng này, một số hộ chăn nuôi chọn giải pháp mua lợn giống từ các thương lái chuyên đi gom đàn lẻ từ trong dân vì có giá thành rẻ hơn, khoảng hơn 2 triệu đồng mỗi con. Tuy nhiên, lợn giống được thu mua theo cách này thường có nguồn gốc không rõ ràng hoặc lai qua nhiều đời, chất lượng không đảm bảo.

Ngoài ra, nhiều hộ cũng chọn cách giữ lại trong số lợn thương phẩm những con đủ điều kiện làm lợn nái để tái đàn.

Các hộ chăn nuôi được lưu ý đảm bảo việc an toàn khử độc trước khi đưa lợn giống vào nuôi, quá trình nuôi phải theo dõi chặt chẽ, nếu có hiện tượng nhiễm bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các hộ cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm tính hiệu quả cao.

Tạo điều kiện tối ưu để tái đàn lợn

Trước đó, đầu tháng 6, Bộ NN&PTNT có Công văn số 3671 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Cụ thể, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn.

Đồng thời, các tỉnh, thành hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua.

Cạnh đó, các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.


Lam Giang
Cùng chuyên mục