Nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị gian lận xuất xứ, không thể lơ là

15/07/2021 17:01 GMT+7
Thời gian qua, số lượng vụ việc gian lận xuất xứ nhằm vào hàng Việt Nam xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), tình trạng trên có thể tác động tiêu cực tới việc hội nhập kinh tế quốc tế.

Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), đến hết quý 1/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên. Nguyên nhân là do một vài nước nhập khẩu cho rằng, hàng hóa Việt Nam sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ những khu vực đang bị các nước này áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Nhận định về tình trạng trên, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, có 2 nguyên nhân có thể khiến hàng Việt Nam xuất khẩu bị gian lận xuất xứ.

Nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị gian lận xuất xứ, không thể lơ là - Ảnh 1.

Các ngành sản xuất trong nước cần chủ động ứng phó, phòng tránh tình trạng gian lận xuất xứ. (Ảnh: Người Lao Động)

Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế.

Ngoài ra, không ít trường hợp hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các FTA hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

Do đó, theo ông Trung đánh giá, cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nếu không làm tốt công tác chủ động phòng vệ thương mại, về lâu dài điều này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Thông tin thêm về nội dung trên, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, vài năm gần đây, việc xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước.

Để phòng tránh tình trạng hàng Việt bị gian lận xuất xứ, ông Dũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp không được tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

"Bởi thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài "trừng phạt" rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ "mất" toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan", ông Dũng phân tích.

Thông tin thêm về các biện pháp phòng tránh gian lận xuất xứ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, Chính phủ và các bộ ngành đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp qua việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, đây là cơ chế "mở" có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu.

Nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ cấp C/O ưu đãi theo các FTA.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo đó, có hai chiều trong hoạt động cấp C/O đó là, phải phòng, chống gian lận xuất xứ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục