Nguy cơ mất trắng hàng trăm hecta lúa và hoa màu vì hạn hán

29/02/2020 12:51 GMT+7
Khu vực Trung bộ cũng sắp khô hạn, thiếu nguồn nước ngọt và bị xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020. Hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân ở nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 35-70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước ở miền Trung trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020.

Mặc dù mới giữa mùa khô nhưng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị thiếu nước trầm trọng. Thiếu nước, cây trồng của người dân cằn cỗi, khô héo. Người dân phải chật vật đi tìm nguồn nước. Tình trạng hạn hán đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều diện tích lúa và cây trồng thiếu nước khiến cây khô héo, cằn cỗi, đất đai nứt nẻ. Bên cạnh đó, nhiều hồ đập trên địa bàn đều cạn nước, trơ đáy.

Hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng vì hạn hán - Ảnh 1.

Người dân Quảng Ngãi phải đi chắt từng giọt nước về sinh hoạt.

Trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, và cả TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt. Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, gần 3 tháng nay trên địa bàn tỉnh không có mưa. Không những vậy, lượng nước ở các sông suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt từ 40 - 70% so với trung bình hằng năm. Lượng mưa năm 2019 thiếu hụt so với hàng năm, chỉ đạt khoảng 70 - 80%.

Tại hồ thủy điện Ka Nak (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ghi nhận lượng nước lòng hồ xuống mức thấp kỷ lục. Mực nước trong hồ hiện chỉ còn khoảng 35 triệu m3, tương đương khoảng 10% theo thiết kế. Trong 3 tháng nữa có thể hồ thủy điện sẽ cạn kiệt, không còn nước để cấp phục vụ sản xuất ở hạ du.

Hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng vì hạn hán - Ảnh 2.

Sông Tranh miền thượng du (Quảng Nam) đã giảm mực nước đáng kể trong nhiều năm qua.

Mùa khô năm nay được dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là tại lưu vực sông Ba, qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần hết sức quan tâm đến công tác phòng chống hạn, cần tính toán, thống kê nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp.

Tại xã Trung Sơn (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) nhiều diện tích lúa vụ đông xuân đã gieo sạ từ đầu năm đang có dấu hiệu chết khô, vàng úa. Nhiều diện tích ruộng lúa khô nước, nứt nẻ, hcó khoảng 3,4 ha lúa chịu hạn hán nặng.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 300 ha lúa vụ đông xuân bị thiếu nước tưới tiêu dẫn đến khô hạn. Các xã là "điểm nóng" về hạn hán, gồm: A Ngo, Sơn Thuỷ, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt, Trung Sơn và thị trấn A Lưới.

Hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng vì hạn hán - Ảnh 3.

Nhiều ruộng và hệ thống tưới tiêu ở Kon Tum khô hạn xác xơ.

Trong khi đó, ở Quảng Nam, không chỉ Thăng Bình mà các huyện Quế Sơn, Núi Thành… hiện mực nước hồ nào cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có hồ thấp hơn 2 - 3m, dung tích còn lại 50%, cả những hồ dự trữ cho vụ đông xuân cũng chỉ còn khoảng 60%.

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, nhiễm mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các sở - ban - ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ tình hình thủy lợi, nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, có hiệu quả; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung vào công tác phòng chống hạn và nhiễm mặn trong năm 2020.

Hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng vì hạn hán - Ảnh 4.

Nhiều vùng cà phê khô hạn ở Tây Nguyên.

Theo dự báo, hạn hán năm nay không khốc liệt và nặng nề như năm 2016. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng tương đối nặng đến hoa màu, cây cối. Hiện tại mực nước theo dung tích thiết kế các hồ thủy lợi từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt từ 11-47%; các hồ ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt từ 2-10%. Còn các hồ thủy điện vừa và lớn ở khu vực Bắc Trung bộ cũng thiếu hụt từ 17-25%; các hồ ở Trung Trung bộ thiếu hụt từ 10-66%; các hồ tại Nam Trung bộ thiếu hụt 12-55%; các hồ ở Tây Nguyên thiếu hụt từ 10-25%.

Hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên không chỉ khiến hàng triệu nông dân nơi đây rơi vào tình trạng đứng ngồi trên đống lửa vì hàng ngàn ha cây trồng chết dần. để có nước cứu cây, cứu người họ đã làm đủ mọi cách để có nước tưới. Những năm trước đào 10 giếng thì 9 giếng có nước, vậy mà năm nay ông trời cứ như trêu người khi đào 10 thì chỉ 2-3 giếng có nước, dù đã khoan sâu tới cả trăm mét trong đất đỏ Tây Nguyên. Ai cứu được người nông dân, ai cứu được cây, được lúa bây giờ.

Do đó, các cơ quan, ban, ngành của các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tại, để ứng phó với hạn hán, nhiều địa phương đã tổ chức họp thông báo về tình hình hạn hán để mọi người khai thông cống rãnh, nạo vét kênh mương. Bên cạnh đó điều tiết nước tưới luân phiên. Đồng thời, vận động người dân hạn chế sử dụng nước.


Bảo An
Cùng chuyên mục