Nguyên nhân giá đường trong nước sẽ 'hạ nhiệt' năm nay

02/02/2022 08:09 GMT+7
Sau khi liên tục tăng trong năm 2021, năm nay giá đường thế giới dự kiến sẽ giảm trong các quý tới.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá đường toàn cầu đã chứng kiến một năm tăng trưởng cao nhờ nhu cầu thực phẩm và đồ uống phục hồi ở các quốc gia lớn đã kiểm soát tốt sự lây lan của Covid-19. Trong đó, chương trình dự trữ lương thực của Trung Quốc đã thúc đẩy sản lượng nhập khẩu đường tăng trong năm 2021. Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch khiến chi phí logistic cao hơn, đẩy giá mặt hàng này cao hơn. 

Tuy nhiên, cũng theo VDSC, sau khi liên tục ghi nhận xu hướng tăng trong năm 2021, năm nay giá đường thế giới dự kiến sẽ giảm trong các quý tới. Nguyên nhân là do ngành mía đường toàn cầu sẽ chứng kiến cung cầu cân bằng hơn trong niên vụ 2021-2022. Theo cập nhật mới nhất của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), sản lượng toàn cầu sẽ thâm hụt 2,55 triệu tấn trong mùa vụ 2021/2022, thấp hơn ước tính trước đó là gần 4 triệu tấn, do lo ngại giảm triển vọng toàn cầu đối với tiêu thụ thực phẩm và đồ uống sẽ làm giảm quy mô thiếu hụt đường thô dự kiến.

Nguyên nhân giá đường trong nước sẽ 'hạ nhiệt' năm nay - Ảnh 1.

Diễn biến giá đường qua các quý. Nguồn: Bloomberg, VDSC

Bên cạnh đó, chi phí logistic tăng và giảm tốc từ năm 2022 khi kinh tế toàn cầu phục hồi và chương trình tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới tăng tốc sẽ làm giảm tình trạng thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng vận chuyển container lớn.

Biến thể Covid-19 mới đang làm dấy lên nỗi lo về làn sóng Covid-19 mới toàn cầu. Mặc dù Omicron có thể lây lan dễ dàng hơn các biến thể Covid-19 trước đó, độc lực và khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong vẫn cần nhiều dữ liệu hơn để xác nhận. VDSC cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ là yếu tố tiêu cực cho xu hướng giá đường toàn cầu trong ngắn hạn.

Mặc dù biến thể Omicron có thể khiến chi phí logistic leo thang, khả năng thặng dư nguồn cung sẽ xảy ra do nhu cầu thực phẩm và đồ uống suy giảm cùng giá dầu thô lao dốc trở lại. VDSC nhận định kịch bản này sẽ kéo dài trong khoảng nửa năm trước khi giá đường toàn cầu quay trở lại xu hướng tăng do nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn và kiểm soát Omicron tốt hơn ở các nước phát triển, mẫu hình đã được chứng minh trong năm 2020.

Giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tăng trong năm nay

VDSC nhận định mặc dù giá đường thế giới đang chững lại nhưng trong nước có thể ghi nhận xu hướng lạc quan hơn nhờ vào một số yếu tố.

Nguyên nhân giá đường trong nước sẽ 'hạ nhiệt' năm nay - Ảnh 2.

Diễn biến giá đường tại Việt Nam năm 2021. Nguồn: VSSA, VDSC

Thứ nhất, mức thuế áp dụng đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ đường tinh luyện từ mía trong nước. Trong năm 2021, lượng đường tiêu thụ của Việt Nam ước tính vẫn ổn định ở mức 2,2 triệu tấn/năm. 23% tổng sản lượng tiêu thụ được tiêu thụ trực tiếp bởi khách hàng cuối cùng và 77% được sử dụng cho các hoạt động chế biến đồ ăn, thức uống. Đường thô và đường tinh luyện ước đạt gần 1 triệu tấn và 1,1 triệu tấn, lần lượt chiếm 48% và 52% tổng lượng đường tiêu thụ.

Tổng sản lượng đường nhập khẩu (đường thô và đường tinh luyện) đạt 1,3 triệu tấn trong năm 2021, giảm 23% so với 2020. Khi tổng lượng đường tiêu thụ vẫn ổn định, VDSC cho rằng thuế suất đối với đường xuất xứ Thái Lan đã làm cho giá đường nhập khẩu kém hấp dẫn hơn, thúc đẩy người tiêu dùng đường chuyển dần từ đường nhập khẩu sang đường tinh luyện từ mía trong nước. 

Thứ hai, lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN loại trừ Thái Lan (bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) đạt 591.000 trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 8 lần so với cùng kỳ. Sự gia tăng sản lượng này đã cảnh báo khả năng đường xuất khẩu từ Thái Lan đã xuất khẩu gián tiếp để chịu mức thuế suất thấp hơn, do đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác sẽ bị đánh thuế theo mức thuế MNF là 25% và 40% tương ứng đối với đường thô và tinh luyện, trong trường hợp không chứng minh được xuất xứ xuất khẩu, thấp hơn tổng mức thuế 52,64% đối với đường xuất xứ trực tiếp từ Thái Lan.

Nguyên nhân giá đường trong nước sẽ 'hạ nhiệt' năm nay - Ảnh 3.

Sản lượng đường nhập khẩu theo quốc gia. Nguồn: Agromonitor, VSSA, VDSC

Để nâng cao hiệu lực của công cụ thuế quan, tháng 9/2021, Bộ Công Thương quyết định thực hiện điều tra thuế (bao gồm cả thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp) đối với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar với cáo buộc đường có xuất xứ từ Thái Lan được nhập khẩu gián tiếp vào Việt Nam qua 5 nước này. Kết quả sơ bộ được kỳ vọng ban hành vào quý I/2022 để kịp thời ngăn chặn tình trạng nhập khẩu gián tiếp. 

Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc công bố thuế sơ bộ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị tổ chức nhập khẩu siết chặt kiểm soát truy xuất nguồn gốc, thống nhất cơ chế áp thuế đối với các đơn hàng nhập khẩu đường. Riêng các lô hàng đường nhập khẩu xuất xứ không rõ ràng khi bị kiểm tra hồ sơ hải quan hoặc đối soát thực tế sẽ bị áp thuế chống bán phá giá.

Cần những thay đổi vĩ mô 

Về phát triển bền vững lâu dài và nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế, báo cáo Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam do Tổ chức Forest Trends phối hợp với chuyên gia của Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam thực hiện, cho rằng ngành cần những thay đổi vĩ mô.

Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60-70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Thứ hai, sức cạnh tranh trong khâu sản xuất cần được nâng cao. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

Thứ ba, sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng cần được cải thiện. Việt Nam cần có các cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái như hiện nay. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cơ chế này.

Thứ tư, việc nhập khẩu, đặc biệt là đối với luồng cung nhập lậu cần được tăng cường kiểm soát. Hội nhập với các rào cản về thuế được xóa bỏ đem lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận với các sản phẩm đường giá cạnh tranh. Hội nhập cũng tạo ra sức ép phải thay đổi đối với sản xuất trong nước, nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản xuất và chế biến nội địa. Tuy nhiên, luồng đường nhập lậu với quy mô lớn, trong thời gian dài và tồn tại cho đến nay cho thấy sự yếu kém của hệ thống quản lý, đặc biệt là cấp địa phương trong việc giải quyết tình trạng này

Cuối cùng, Việt Nam cần hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho các hộ trồng mía. Các hộ trồng mía có vai trò sống còn đối với ngành, bởi họ đảm nhận gần như toàn bộ khâu cung mía nguyên liệu. Hình thành mạng lưới hoặc liên minh kết nối các hộ trồng mía trong cả nước trong tương lai sẽ giúp nâng vị thế của các hộ trong chuỗi, giúp định vị lại mối quan hệ giữa hộ và các thành viên trong chuỗi.

Theo Đỗ Lan
Cùng chuyên mục