Nguyên nhân khiến bất động sản bán lẻ Hà Nội duy trì tăng trưởng?
Theo Savills, tổng nguồn cung mặt bằng bất động sản bán lẻ tại Hà Nội trong quý III/2024 tăng khoảng 2% so với quý II và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi sự xuất hiện của một trung tâm mua sắm và 2 dự án khối đế bán lẻ. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm.
Về công suất thuê, phân khúc mặt bằng bán lẻ ổn định theo quý, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 85%. Giá thuê gộp tầng trệt giảm nhẹ 1% so với quý II/2024, nhưng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá thuê được cải thiện tại các khối đế bán lẻ với mức tăng 2% so với quý II và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Ở khu trung tâm, giá thuê trung bình là 3,4 triệu đồng/m2/tháng.
Theo bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, hiện nay, thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. Trước tiên phải kể đến sự tăng trưởng tích cực của thị trường bán lẻ nói chung.
"Các mặt bằng bán lẻ thuộc khu vực trung tâm, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, luôn duy trì mức giá cao. Tại những mặt bằng cao cấp khu vực này, giá thuê có khoảng cách lớn so với khu vực ngoài trung tâm, dù các khu vực ngoài trung tâm cũng ghi nhận xu hướng tăng giá", bà Mai chia sẻ.
Giá thuê mặt bằng bất động sản bán lẻ vẫn duy trì mức cao khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thái Nguyễn
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành quý III/2024 ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý II/2024 và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, du lịch Hà Nội cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2024 khi lượng khách tăng 11,7% theo năm. Tính chung 8 tháng năm 2024, ước đạt 2,818 triệu lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá sự phục hồi nhanh chóng của du lịch quốc tế cùng khả năng thích ứng điều chỉnh lạm phát đã thúc đẩy giá thuê tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng cường lưu lượng khách hàng trong thành phố.
"Giai đoạn 10 - 15 năm trước, nhiều người tiêu dùng cao cấp trong nước thường mua sắm hàng hiệu thông qua những du lịch nước ngoài. Giờ đây, họ lại hướng đến việc trải nghiệm và sở hữu sản phẩm cao cấp ngay tại Việt Nam. Điều này tạo ra sức hút mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ muốn thâm nhập vào thị trường đang phát triển này”, ông Matthew Powell nhận định.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế như: Lotte, Central Retail hay AEON, vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khả quan.
"Mô hình thuê chia sẻ doanh thu, trước đây chỉ có tại các trung tâm bách hóa đang được gia tăng áp dụng đối với các khách thuê phù hợp tại các trung tâm thương mại lớn. Mô hình chia sẻ doanh thu trong trung tâm thương mại có ưu điểm thu hút nhiều khách thuê hơn nhờ tính linh hoạt về giá thuê, giúp giảm rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu mới", bà Mai cho biết.
Đồng thời, cả chủ trung tâm thương mại và khách thuê đều chia sẻ rủi ro khi doanh thu không đạt kỳ vọng, tạo sự hợp tác trong việc tăng doanh thu. Tuy nhiên, mô hình này có nhược điểm là khó dự đoán doanh thu ổn định, phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của khách thuê và đòi hỏi hệ thống quản lý doanh thu thật sự hiệu quả.