Nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc "sốc" trước mối đe dọa từ Nhà Trắng

06/09/2020 11:26 GMT+7
Mỹ mới đây đe dọa sẽ đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách đen, một động thái đe dọa cản đường sự lớn mạnh của ngành công nghiệp chip mà chính phủ Bắc Kinh đang ưu tiên phát triển.
Nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc bị "sốc" trước nguy cơ lọt danh sách đen của Mỹ - Ảnh 1.

SMIC bị "sốc" trước nguy cơ lọt danh sách đen của Mỹ

Một nguồn tin trên tờ Reuters mới đây cho hay chính quyền Trump đang cân nhắc việc đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách đen, một động thái có thể buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải được cấp giấy phép nếu muốn làm ăn với công ty này. Dù lý do cụ thể cho một quyết định như vậy chưa được công khai, nhưng 3 nguồn tin của Reuters cho hay Mỹ đang giám sát chặt chẽ mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mới đây, phía SMIC khẳng định mọi thông tin về việc công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc đều là "cáo buộc sai sự thật". “Chúng tôi đang hoàn toàn bị sốc... Tuy nhiên, SMIC sẵn sàng trao đổi trên cơ sở chân thành và minh bạch với các cơ quan chính phủ Mỹ để giải quyết những hiểu lầm không đáng có”.

Các nhà quan sát nhận định nguy cơ SMIC rơi vào danh sách đen sẽ làm gián đoạn nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip nội địa, qua đó ảnh hưởng đến rất nhiều ngành liên quan khác từ sản xuất smartphone cho đến trạm gốc 5G, hệ thống dẫn đường tên lửa...

Eric Tseng, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu chip Isaiah Capital (Đài Loan) nhận định: “Nguy cơ hạn chế thương mại từ Mỹ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của SMIC, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và sản xuất CMOS, các sản phẩm cảm biến vân tay trên smartphone….”.

Được thành lập năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Hãng này đã huy động được 46,3 tỷ NDT (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải hồi tháng 7 qua, tức cao gấp đôi mục tiêu dự kiến ban đầu. SMIC cùng với Huahong (Thượng Hải) hiện là 2 xưởng đúc chip duy nhất tại Trung Quốc có khả năng sản xuất dòng chip vi xử lý 28 nm, một trong những công nghệ chip tiên tiến nhất tại Trung Quốc hiện nay. 

Tháng trước, Quốc vụ viện - nội các Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách mới bao gồm miễn thuế, quy trình niêm yết nhanh gọn và quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất chip mà SMIC đang dẫn đầu. 

Stewart Randall, giám đốc mảng thiết bị điện tử và phần mềm tại Intralink, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải nhận định: việc SMIC có nguy cơ lọt danh sách đen đồng nghĩa với việc bất cứ công ty Trung Quốc nào có quy mô tương tự “sẽ lọt vào tầm ngắm của Mỹ”. Điều này cũng có nghĩa là “Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển tất cả quy trình sản xuất thiết bị ở trong nước với một chuỗi cung ứng khép kín”. 

Việc xem xét đưa SMIC vào danh sách đen được xem là nỗ lực mới nhất trong hàng loạt động thái “đàn áp” công nghệ Trung Quốc từ chính quyền Donald Trump. Mỹ gần đây đã cấm 2 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat, đồng thời đe dọa hạn chế các hoạt động của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba trên thị trường Mỹ. 

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, qua đó chặn đứng hoàn toàn nguồn cung chip toàn cầu của nhà cung cấp viễn thông số 1 thế giới Huawei. Bộ Quy tắc này có thể đưa Huawei vào tình trạng cạn kiệt chip công nghệ cao nếu không tìm được nhà cung cấp thay thế. Gần đây, CEO Huawei Nhậm Chính Phi đã phải thừa nhận công ty đang thay đổi nhiều bộ phận và tinh chỉnh thuật toán trong các sản phẩm để khắc phục trước những hạn chế của Washington. 

Cameron Johnson, giảng viên trợ giảng tại Đại học New York dự báo nguy cơ SMIC rơi vào danh sách đen sẽ gây ra những hiệu ứng đáng kể cho chuỗi cung ứng và doanh nghiệp toàn cầu. “Nó ảnh hưởng đến nhiều dòng sản phẩm, từ smartphone Huawei đến máy tính…”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục