Nhật Bản dự chi gần 19 triệu USD chống tin tặc trong tài khóa 2021

21/10/2020 11:25 GMT+7
Trong tài khóa 2021, Nhật Bản dự kiến dành 2 tỷ yen (khoảng 18,96 triệu USD) để phát triển hệ thống phân tích các cuộc tấn công mạng do Cơ quan Nghiên cứu hệ thống thông tin liên lạc phát triển.
Nhật Bản dự chi gần 19 triệu USD chống tin tặc trong tài khóa 2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Preemptive)

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét thành lập cơ quan hỗn hợp gồm các cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học nhằm phân tích thông tin, tiến hành phòng vệ đối với các cuộc tấn công mạng.

Dự kiến, cơ quan này sẽ có hơn 20 thành viên và bắt đầu hoạt động nghiên cứu từ năm 2022.

Trong tài khóa 2021, Chính phủ Nhật Bản dự kiến dành 2 tỷ yen (khoảng 18,96 triệu USD) để phát triển hệ thống phân tích các cuộc tấn công mạng do Cơ quan Nghiên cứu hệ thống thông tin liên lạc (NICT) phát triển.

Cơ quan hỗn hợp sẽ sử dụng hệ thống này để phân tích các thông tin về phương pháp, thủ đoạn tấn công mạng.

Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, đến thời điểm này, nhiều công ty, trường đại học lớn như Hitachi, NEC, Fujitsu, Mitsubishi Electric, Yokogawa Electric, NTT Group, Đại học Waseda, Đại học Kobe... đang xem xét tham gia cơ quan hỗn hợp này.

Thủ đoạn tấn công mạng của tin tặc ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, phương pháp tấn công mạng chủ yếu của tin tặc là sử dụng là kỹ thuật tấn công dữ liệu lớn làm tê liệt chức năng thông tin thì gần đây, chúng đã chuyển sang hình thức xâm nhập các loại mã độc để lấy cắp thông tin.

Cơ quan hỗn hợp sẽ tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp về các cuộc tấn công mạng để thiết lập trang mạng ảo dẫn dụ khiến cho đối phương bị nhầm lẫn.

Thông qua hệ thống phân tích, cơ quan này có thể tiếp tục ghi nhận thông tin và phân tích tất cả thủ đoạn tấn công, từ đó xác định nguồn tấn công và thảo luận về các biện pháp đối phó.

Ông Kenji Uesugi thuộc Ủy ban Đổi mới an ninh mạng Nhật Bản cho biết: "Phòng thủ mạng đòi hỏi phải nắm bắt về phương thức tấn công và thông tin của mã độc. Nhiều công ty ở Nhật Bản còn ngại chia sẻ thông tin. Cơ quan hỗn hợp có thể tranh thủ được sự hợp tác của nhà nước-doanh nghiệp-trường đại học để tập hợp thông tin về thủ đoạn tấn công trên toàn quốc và nghiên cứu các biện pháp đối phó."

Theo ông Kenji Uesugi, các doanh nghiệp, trường đại học tham gia cơ quan hỗn hợp mới có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở thông tin được chia sẻ".


Theo Đức Thịnh (TTXVN)
Cùng chuyên mục