Nhật Bản "sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ" nếu nền kinh tế cần

08/09/2021 17:50 GMT+7
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho hay Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến chừng nào đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%, ngay cả khi nền kinh tế đã vượt qua đại dịch.

Tuyên bố này báo hiệu lập trường chính sách khác biệt đáng kể của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) so với các Ngân hàng Trung ương ở Mỹ và châu Âu, những nền kinh tế đã bắt đầu báo hiệu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với áp lực tăng trưởng giảm tốc do sự bùng phát đại dịch, nhất là làn sóng dịch gây ra bởi biến chủng Delta gần đây. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng; sản xuất và xuất khẩu sẽ phục hồi trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, tuy nhiên cảnh báo dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến bất ổn. Do đó, Ngân hàng Trung ương sẽ “tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay cũng như các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp”.

“Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ mà không do dự”.

Các ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu tin tưởng rằng họ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế lành mạnh tại mức lạm phát mục tiêu khoảng 2%. Ở nhiều quốc gia, trước khi đại dịch bùng phát, lạm phát đã nằm dưới ngưỡng mục tiêu này một thời gian dài. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch, Mỹ đang ghi nhận lạm phát tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi khu vực đồng euro cũng chứng kiến mức lạm phát tăng lịch sử 3%.

Nhật Bản "sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ" nếu nền kinh tế cần - Ảnh 1.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda thừa nhận rằng cần nhiều thời gian hơn ông nghĩ để kéo Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát hiện tại (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Ngược lại với các quốc gia phương Tây, tại Nhật Bản, lạm phát vẫn nằm trong lãnh thổ tiêu cực. Theo dự báo của các thành viên Hội đồng Chính sách của BoJ , tỷ lệ lạm phát trong năm tài chính 2023 sẽ là 1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Theo Thống đốc Kuroda, nguyên nhân khiến lạm phát tại Nhật Bản ở mức thấp tương đối như vậy là do "sự khác biệt đáng kể trong thị trường lao động" giữa Nhật Bản với các quốc gia phương Tây. “Nhật Bản đã duy trì thị trường việc làm ổn định trong suốt thời gian đại dịch, do đó ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên, nó cũng không vượt quá nguồn cung cũng hay thúc đẩy giá cả tăng mạnh”. Điều này trái ngược với Mỹ, khi hạn chế về nguồn cung thúc đẩy giá cả tăng nhanh.

Trong một tuyên bố trực tuyến sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Mỹ đã đạt được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng ngân hàng Trung ương có thể sớm rút lại các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước viễn cảnh tăng trưởng lạc quan hiện tại.

Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Do đó, khi tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất trong hàng thập kỷ và thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, các nhà đầu tư đã chuẩn bị cho kịch bản Fed có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, và việc kết thúc chương trình mua tài sản 120 tỷ USD có thể là bước đầu tiên trước khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất trở lại. Từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ đến nay, Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25% nhằm thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí vay, xoa dịu các tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch.

Cuộc họp mới nhất của FOMC cho thấy có nhiều thành viên của Ủy ban kêu gọi bắt đầu siết quy mô gói mua tài sản từ tháng 9. Một số thành viên FOMC tranh luận về kết thúc chương trình mua tài sản chậm nhất là vào nửa cuối năm sau. Điều đó sẽ mang lại cho Fed một môi trường linh hoạt để tăng lãi suất cơ bản (vốn đang ở mức tiệm cận 0) ngay trong năm 2022 nếu lạm phát kéo dài và tăng mạnh hơn dự báo ban đầu. Trước đó, trong dự báo mới nhất hồi tháng 6, Fed cho rằng lãi suất cơ bản sẽ tăng sớm nhất vào năm 2023. Tuy nhiên, số còn lại đồng thuận một cách tiếp cận kiên nhẫn hơn trong bối cảnh số lao động mất việc tại Mỹ vẫn cao hơn 6 triệu người so với thời điểm trước đại dịch và biến thể Delta tiếp tục đe dọa làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát.

Trong khi Mỹ mới chỉ báo hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, một số ngân hàng trung ương ở các quốc gia tiên tiến khác, chẳng hạn như Canada, đã bắt đầu thực hiện siết chặt trở lại chính sách tiền tệ sau hơn một năm thực hiện nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.



NTTD
Cùng chuyên mục