Bắc Kinh báo hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, có phải tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?

09/07/2021 13:52 GMT+7
Các nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực kích thích chi tiêu tiêu dùng cũng như hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn đóng góp phần lớn lượng việc làm trên thị trường lao động.

Cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc gần đây bất ngờ gợi ý Ngân hàng Trung ương sẽ gia tăng kích thích cho nền kinh tế thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng.

Nhận định về động thái này, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang từ Pinpoint Asset Management nhận định: “Tôi nghĩ chính sách này báo hiệu kinh tế Trung Quốc có thể đã tăng trưởng giảm tốc trong tháng 6”. Theo ông Zhang, các nhà hoạch định chính sách có thể đã nắm được các dữ liệu kinh tế vĩ mô cơ bản như doanh số bán lẻ trong tháng 6 trước khi đưa ra quyết định chính sách như vậy.

Dữ liệu kinh tế tháng 6 cũng như tăng trưởng GDP quý II/2021 của Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối tuần tới. Nhưng các nhà đầu tư đã nhận thấy một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng giảm tốc.

Chẳng hạn, đầu tuần này, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự báo doanh số bán xe du lịch trong tháng 6 sẽ chứng kiến mức giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu ý doanh số bán xe là một trong những yếu tố cốt lõi đóng góp vào doanh số bán lẻ của đất nước.

Bắc Kinh báo hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, có phải tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc? - Ảnh 1.

Bắc Kinh báo hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, có phải tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc? (Ảnh: Reuters)

Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) là vào tháng 4/2020, thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với hậu quả từ các biện pháp phong tỏa quốc gia, hạn chế kiểm dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia thành công kiểm soát dịch Covid-19 từ rất sớm. Năm ngoái, nước này là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu báo cáo tăng trưởng dương. Tuy nhiên, những ổ dịch mới lây lan dai dẳng trên toàn cầu cùng thực trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng vọt… đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong 2 tháng qua, chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng chậm hơn dự kiến trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi không đồng đều. Các nhà chức trách đang nỗ lực kích thích chi tiêu tiêu dùng cũng như hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn đóng góp phần lớn lượng việc làm trên thị trường lao động.

Cuộc họp Hội đồng Nhà nước hôm 7/7 diễn ra ở Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định: “Trước tác động của thực trạng giá hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý quyết định duy trì chính sách tiền tệ ổn định cũng như nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ, không dùng đến các biện pháp kích cầu lớn”.

“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các công cụ chính sách khác sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp nhằm tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ” - thông cáo báo chí sau cuộc họp cho hay.

Các nhà chức trách cũng quyết định dỡ bỏ các hạn chế đăng ký hộ khẩu, qua đó cho phép người lao động nhập cư tiếp cận với các chương trình hưu trí và bảo hiểm y tế tại địa phương, đồng thời thử nghiệm chương trình bảo hiểm thương tật nghề nghiệp cho một số ngành nghề cụ thể như tài xế giao hàng nhanh, giao đồ ăn hay gọi xe.

Sau cuộc họp chính sách của Hội đồng nhà nước Trung Quốc, nhà kinh tế trưởng Ting Lu từ Nomura dự báo PBoC có thể cắt giảm RRR bắt buộc xuống 0,5% trong những tuần tới.

Nomura cũng kỳ vọng Bắc Kinh tăng tốc chương trình phát hành trái phiếu chính phủ. Trong nửa đầu năm 2021, Bắc Kinh mới chỉ phát hành 2,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (385,72 tỷ USD) trái phiếu chính phủ trên tổng số 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ được phân bổ. 

Tuy nhiên, ông Ting Lu nhấn mạnh rằng động thái cắt giảm RRR không phải chắc chắn , bởi vào tháng 6/2020, dù Hội đồng Nhà nước đề cập đến cắt giảm RRR nhưng thực tế điều này đã không diễn ra. 

Tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ được phía Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xem xét kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ, từng bước thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản và các biện pháp kích thích được thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục