Fed cảnh báo tín hiệu nóng siết chính sách tiền tệ ngay trong năm nay
Trong một tuyên bố trực tuyến sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Mỹ đã đạt được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng ngân hàng Trung ương có thể sớm rút lại các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước viễn cảnh tăng trưởng lạc quan hiện tại.
Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Hôm 6/8, một báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 đã tăng vọt 943.000 công việc, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế chung cũng như thị trường lao động.
Kể từ đó, sự mạnh mẽ của thị trường lao động đã thúc đẩy nhà đầu tư cho rằng Fed có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, và việc kết thúc chương trình mua tài sản 120 tỷ USD có thể là bước đầu tiên trước khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất trở lại. Từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ đến nay, Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25% nhằm thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí vay, xoa dịu các tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch.
“Quan điểm của tôi là lạm phát đã đạt đến mức tăng đáng kể như tiêu chí mà ngân hàng Trung ương đưa ra (để bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng). Thị trường việc làm cũng có những tăng trưởng rõ ràng” - ông Powell nhấn mạnh.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed về chính sách tiền tệ cho thấy phần lớn các quan chức tin rằng việc bắt đầu "cắt giảm" chương trình mua trái phiếu trong năm nay là phù hợp. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tán thành điều này.
Những bình luận được ông Powell đưa ra tại thời điểm nền kinh tế Mỹ vẫn đứng trước nhiều rủi ro không chắc chắn, đặc biệt là sự lây lan của biến thể Delta khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt cả ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Số ca nhiễm mới Covid-19 chính là yếu tố làm gián đoạn kế hoạch tổ chức hội nghị chuyên đề năm nay của Fed.
Các tín hiệu kinh tế mâu thuẫn nhau cũng khiến Ngân hàng Trung ương khó đạt được sự đồng thuận về thời điểm chính xác sẽ bắt đầu thu hẹp gói mua tài sản 120 tỷ USD và cả thời điểm chấm dứt hoàn toàn gói hỗ trợ này.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng giá tiêu dùng Mỹ (CPI) đang tăng cao do sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng rãi trên toàn cầu, do đó Fed nên chấm dứt gói mua tài sản sớm để tránh lạm phát tiếp tục tăng cao đe dọa sự ổn định tài chính. Chính chủ tịch Fed Jerome Powell trước đây đã thừa nhận lạm phát đang gia tăng nhanh hơn dự báo ban đầu của Fed, và rằng Ngân hàng Trung ương sẽ hành động nếu cần thiết. “Nếu lạm phát cao hơn kéo dài trở thành một mối lo ngại nghiêm trọng thì Ủy ban Thị trường Mở chắc chắn sẽ phản ứng và sử dụng mọi công cụ cần thiết để đảm bảo lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu mà chúng tôi đưa ra” - ông Powell nhấn mạnh hôm 27/8.
Tuy nhiên, vị quan chức hàng đầu của Fed cũng cho hay không nên quá vội vàng giải quyết vấn đề lạm phát giá tiêu dùng, điều mà các thành viên FOMC đều nhận định là vấn đề tạm thời của nền kinh tế. “Nếu một ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách để đối phó với các yếu tố có vẻ chỉ là tạm thời, thì các tác động chính sách từ việc thắt chặt có thể sẽ đến sau khi vấn đề được giải quyết. Động thái chính sách không đúng thời điểm có thể tác động tiêu cực đến thị trường lao động và các hoạt động kinh tế khác một cách không cần thiết, đồng thời đẩy lạm phát xuống mức quá thấp so với mục tiêu. Ngày nay, trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn và thị trường lao động vẫn còn trì trệ, một sai lầm như vậy có thể tạo nên những thiệt hại đáng kể”.
Cuộc họp mới nhất của FOMC cho thấy có nhiều thành viên của Ủy ban kêu gọi bắt đầu siết quy mô gói mua tài sản từ tháng 9.
Một số thành viên FOMC tranh luận về kết thúc chương trình mua tài sản chậm nhất là vào nửa cuối năm sau. Điều đó sẽ mang lại cho Fed một môi trường linh hoạt để tăng lãi suất cơ bản (vốn đang ở mức tiệm cận 0) ngay trong năm 2022 nếu lạm phát kéo dài và tăng mạnh hơn dự báo ban đầu. Trước đó, trong dự báo mới nhất hồi tháng 6, Fed cho rằng lãi suất cơ bản sẽ tăng sớm nhất vào năm 2023.
Tuy nhiên, số còn lại đồng thuận một cách tiếp cận kiên nhẫn hơn trong bối cảnh số lao động mất việc tại Mỹ vẫn cao hơn 6 triệu người so với thời điểm trước đại dịch và biến thể Delta tiếp tục đe dọa làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát.