Nhật Bản, Úc, Ấn Độ thống nhất Sáng kiến ​​phục hồi chuỗi cung ứng đi ngược lại Trung Quốc

28/04/2021 14:05 GMT+7
Các quan chức thương mại ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang làm việc cùng nhau để chính thức khởi động Sáng kiến ​​phục hồi chuỗi cung ứng trong một nỗ lực chung được cho là nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực thương mại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và hai người đồng cấp - Bộ trưởng Piyush Goyal của Ấn Độ và Dan Tehan của Úc đã đồng thuận trong cuộc họp trực tuyến hôm 27/4 về việc cùng nhau đề xuất phương pháp phục hồi chuỗi cung ứng hậu đại dịch.

Các quan chức thương mại hàng đầu ba nước cũng cam kết tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư để thúc đẩy khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Qua đó tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn để chống lại sự thống trị của Trung Quốc khi căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang trong khu vực, theo nguồn tin của Bloomberg.

Nhật Bản, Úc, Ấn Độ thống nhất Sáng kiến ​​phục hồi chuỗi cung ứng đi ngược lại Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhật Bản, Úc, Ấn Độ thống nhất Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng đi ngược lại Trung Quốc

Dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nội dung tuyên bố chung giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Úc nhấn mạnh “một số chuỗi cung ứng đã bị tổn thương do nhiều yếu tố” và “đại dịch đã bộc lộ các lỗ hổng của chuỗi cung ứng trên toàn cầu và trong khu vực”.

Các bộ trưởng nhất trí sẽ triệu tập cuộc họp thường niên mỗi năm một lần để thúc đẩy sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng. Các sự kiện có thể được mở rộng trong tương lai dựa trên sự đồng thuận giữa ba nước.

“Các chuỗi cung ứng của Úc nhìn chung đã được chứng minh là có khả năng phục hồi, nhưng đại dịch đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế nhiều hơn để tăng cường sức mạnh và sự ổn định chuỗi cung ứng” - Bộ trưởng Thương mại Úc Tehan cho biết trong một tuyên bố riêng. “Nhật Bản và Ấn Độ là những đối tác quan trọng của Úc. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ cùng nhau để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong khu vực”.

Quan hệ Úc - Trung đã xấu đi kể từ khi chính quyền Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, hưởng ứng những cáo buộc của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Bắc Kinh giận dữ. Ngoại trưởng Úc Marise Payne là người đã xuất hiện trên đài truyền hình địa phương, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới WHO về nguồn gốc dịch bệnh khi ổ dịch Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại một khu chợ ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Vào thời điểm đó, WHO cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế về cách xử lý đại dịch.

Úc từ lâu đã được biết đến như đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Về phần Nhật Bản, nước này cũng là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 4 đã tìm cách thể hiện tầm nhìn thống nhất với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trên mặt trận đối phó với Trung Quốc thông qua Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức đến nay. Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhật Bản trong những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Bắc Kinh.

Thủ tướng Nhật Bản Suga cũng khẳng định hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết diễn ra các cuộc thảo luận thẳng thắn với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.


NTTD
Cùng chuyên mục