Nhiều CEO dự báo ảnh hưởng của Covid-19 sẽ kéo dài ít nhất đến hết 2021
Theo kết quả khảo sát nhanh tại Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” do FPT vừa tổ chức, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của Covid-19 sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ” nếu không chỉ giải quyết khó khăn mà còn chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội.
Diễn đàn có gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tham dự và các câu chuyện, giải pháp thực tiễn được chia sẻ từ đại diện VPBank, PNJ, Tập đoàn Minh Phú, AA Corporation, Tập đoàn Thiên Long,… thông qua các biện pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh và mô hình làm việc, tối ưu nguồn nhân lực và ứng dụng chuyển đổi số.
Lãnh đạo các doanh nghiệp nêu trên cho rằng, hiện nay, 05 vấn đề quan trọng nhất với các doanh nghiệp là tăng trưởng doanh thu, bảo vệ người lao động, duy trì nguồn vốn lưu động, giảm gián đoạn chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, 03 giải pháp ưu tiên cấp bách có thể kể đến như phát huy vai trò và tinh thần của người lãnh đạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực và sáng tạo/đổi mới bằng công nghệ.
Về giải pháp đầu tiên, hơn lúc nào hết, bây giờ người lãnh đạo doanh nghiệp phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, không chỉ trong tư duy, trong xử lý tình huống mà trên hết, còn phải là người truyền cảm hứng và kiên tâm.
Dù các bối cảnh kinh doanh khác nhau, mô hình vận hành mỗi doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh tương ứng khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần một nhà lãnh đạo kiên tâm để đưa doanh nghiệp từ tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn này, nhà lãnh đạo cũng cần trao gửi niềm tin, truyền cảm hứng “chiến đấu” cho đội ngũ nhân viên của mình để cùng hướng đến một mục tiêu chung giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng.
Giải pháp thứ hai liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, bởi con người là tài sản giá trị nhất đối với một doanh nghiệp.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài.
Đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động, từ đó tối đa hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm được giá thành sản phẩm đáp ứng được xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay.
Và tăng thu nhập, kích thích tinh thần cán bộ nhân viên, đào tạo nội bộ là 1 trong những cách tăng năng suất lao động cũng như tạo ra đội ngũ nhân lực không ngừng học hỏi, sẵn sàng có những sáng kiến sáng tạo để tìm ra cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Giải pháp thứ ba liên quan đến sáng tạo, đổi mới bằng công nghệ khi cụm từ này ngày càng được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây.
Nếu trước đây số hóa, tự động hóa chỉ là định hướng của doanh nghiệp thì hiện nay số hóa, tự động hóa cần được xem là việc không thể không làm.
Các thử nghiệm có thể được thực hiện liên tục trong thời gian ngắn, vài tuần hoặc một tháng để liên tục rút kinh nghiệm.
Ví dụ với ngành nuôi và chế biến tôm, tỷ lệ nuôi tôm thành công thông thường là 50-60%, để đạt được hiệu quả cao nhất cần nâng tỷ lệ này lên 90-95% thậm chí là 100%, thông qua nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng các công cụ công nghệ.
Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT, với bài toán tăng trưởng doanh thu, việc tái cấu trúc lại quy trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, để đẩy mạnh bán hàng online đang mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Thực tế tại FPT Retail, doanh thu mảng online trong giai đoạn Covid-19 đã tăng trưởng vượt bậc hay khách hàng của FPT là một công ty ga tại Nhật đã tăng trưởng 10% doanh thu.
Về vấn đề đảm bảo nguồn vốn, sáng tạo trong vận hành, ông Việt Anh cho rằng ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Nhiều khách hàng của FPT đã ứng dụng các giải pháp tự động hóa giúp tiết kiệm lên tới 60% chi phí, đồng thời gia tăng đến 80% năng suất.
Đối với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, việc đưa vào ứng dụng nền tảng Hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách dễ dàng.
Cụ thể, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động và dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom.