Nhiều vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc chưa được xử lý dứt điểm

26/03/2020 05:50 GMT+7
UBND huyện Phú Quốc đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, thu hút nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và an ninh trật tự bị buông lỏng và đã xảy ra nhiều vi phạm.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 120/TB-VPCP về Kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nhiều vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc chưa được xử lý dứt điểm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện đã xử lý được nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự, xử lý nhiều tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

Cụ thể, lĩnh vực đất đai đã xử lý 231/308 vụ (đạt 75%), còn 77/308 vụ đang xác minh, củng cố hồ sơ tiếp tục xử lý theo quy định; lĩnh vực xây dựng đã xử lý 189/229 vụ (đạt 82,5%), còn 40/229 vụ đang củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý theo quy định; lĩnh vực lâm nghiệp đã xử lý 33/33 vụ (đạt 100%). Đồng thời, UBND huyện Phú Quốc cũng đã xử lý, luân chuyển nhiều cán bộ, công chức.

Phó Thủ tướng ghi những cố gắng của UBND huyện Phú Quốc về công tác quản lý nhà nước về kinh tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và an ninh trật tự bị buông lỏng và đã xảy ra nhiều vi phạm nên báo chí phản ánh nhiều. Đồng thời, nhiều trường hợp vi phạm cũng chưa được xử lý dứt điểm, xử lý cán bộ chưa nghiêm và tình hình an ninh trật tự máy tạm ổn định.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện, xử lý ngay, không để phát sinh thêm vi phạm.

Đồng thời, tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật. Trong quá trình xử lý cần rà soát, phân loại rõ trường hợp người dân đã đến sinh sống ổn định lâu dài với trường hợp người dân từ nơi khác đến phá rừng, chiếm đất bất hợp pháp, có biện pháp xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm, phải xem xét, xử lý hình sự, nhất là đối với các đối tượng băng, nhóm "xã hội đen".

Tỉnh Kiên Giang cũng cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, nhất là công tác cán bộ. Bên cạnh đó, phát huy mô hình tổ liên ngành, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn huyện Phú Quốc, không để các đối tượng "xã hội đen" lộng hành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự.

Ngoài ra, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian vừa qua. UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên trước ngày 01/7/2020.

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc Bộ Công an tiếp tục phối hơp chặt chẽ với chính quyền địa phương chỉ đạo việc đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, điều tra, xử lý quyết liệt đối với các đối tượng, băng, nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; nhất là các đối tượng, băng, nhóm, hoạt động đội lốt công ty, doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ để đảm bảo mọi vi phạm đều được kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục